Người dân ven biển lao đao vì xâm nhập mặn

02:07, 06/07/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đang là thời điểm sản xuất vụ hè thu, nhưng nhiều hộ dân ở Phổ Quang (Đức Phổ), Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) đành ngậm ngùi bỏ ruộng hoang, vì ruộng bị nhiễm mặn. Không chỉ lao đao vì nước mặn xâm lấn đất sản xuất, người dân ven biển còn khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt khi giếng nước ngọt cũng lần lượt bị nhiễm mặn.

TIN LIÊN QUAN

Đập ngăn mặn thành... giữ mặn!

“Lỗi không nằm ở bản thân công trình, mà là do khâu quản lý và vận hành kém hiệu quả khiến đập ngăn mặn trở thành đập... giữ mặn”, ông Huỳnh Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang (Đức Phổ) cho biết. Đó là đập ngăn mặn An Quang, xã Phổ Quang có vốn đầu tư lên đến 40 tỷ đồng. Công trình được đưa vào khai thác, vận hành vào năm 2015, làm cho nông dân các xã Đức Lân (Mộ Đức) và Phổ An, Phổ Quang (Đức Phổ) phấn khởi.

Vốn đầu tư lên đến 40 tỷ đồng nhưng vì công tác quản lý, vận hành kém mà đập ngăn mặn An Quang, xã Phổ Quang (Đức Phổ) kém phát huy hiệu quả.                                                                                                                                                                                                                                                                                   Ảnh: MỸ HOA
Vốn đầu tư lên đến 40 tỷ đồng nhưng vì công tác quản lý, vận hành kém mà đập ngăn mặn An Quang, xã Phổ Quang (Đức Phổ) kém phát huy hiệu quả. Ảnh: MỸ HOA

Vụ sản xuất hè thu năm 2015, đập An Quang hoàn thành tốt nhiệm vụ “ngăn mặn, giữ ngọt” của mình, góp phần mang lại niềm vui bội thu lúa cho nông dân các địa phương trên. Tuy nhiên, bước vào vụ hè thu năm 2016, đập An Quang lại khiến bà con điêu đứng.

“Đầu vụ nước mặn xâm nhập khiến nông dân phải gieo sạ muộn. Đến khi cây lúa được hơn 40 ngày tuổi, mặn lại tiếp tục xâm nhập, nông dân phải tốn công “rửa” ruộng”, ông Lê Lý - Đội trưởng đội sản xuất số 1, xã Phổ Quang, cho biết.

Sáng 4.7 vừa qua, đội dẫn thủy của HTXNN Phổ Quang phát hiện nước đang dẫn vào ruộng dân không còn “ngọt”. Hệ thống kênh mương hơn 3km đầy nước mặn. Gần 1ha lúa 40 ngày tuổi ở đốc Gò Gai, thôn Dương Quang vì thế cũng nhiễm mặn nặng. Kiểm tra đập An Quang, các cống đập đều mở.

Theo lý giải của Ban Quản lý (BQL) đập An Quang thì: “Cống đập mở là để thực hiện tiêu úng cho các xã của huyện Mộ Đức”. Song, giải thích này vấp phải phản ứng của chính quyền và nông dân xã Phổ Quang. “Tiêu úng là đúng, nhưng khi tiêu úng xong thì phải đóng cống đập để giữ nước ngọt, chứ làm gì mà mở cống liên tục cả tuần nay”, ông Huỳnh Tấn Kia - Ban Kiểm soát HTXNN Phổ Quang, bức xúc.

Cũng theo chính quyền xã Phổ Quang, trước khi bước vào vụ sản xuất hè thu, HTXNN Phổ Quang đã cung cấp cho BQL đập An Quang ngày, giờ thủy triều lên, xuống để thuận lợi trong công tác vận hành. Song, không biết vì sao đơn vị này lại để xảy ra việc xâm nhập mặn đáng tiếc như thời gian vừa qua.

Hơn nữa, việc phối hợp giữa đơn vị quản lý, vận hành với chính quyền các địa phương còn lỏng lẻo. Ngay như việc xả nước đập, BQL đập An Quang cũng không thông báo, khiến người dân hoạt động đánh bắt thủy hải sản vùng hạ lưu gặp rất nhiều nguy hiểm. Dù đã nhiều lần kiến nghị, song đến nay vẫn chưa có hệ thống thông báo xả nước đập tại khu vực này.

Khắc khoải những vùng “mặn chát”

Không chỉ riêng nông dân Phổ Quang khổ vì tình trạng xâm nhập mặn, nhiều người dân xã ven biển Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) hiện cũng đang để không ruộng lúa, vì ruộng nhiễm mặn không sản xuất được.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Bàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Phú cho hay, mặc dù toàn xã Nghĩa Phú chỉ có khoảng 20ha đất lúa thì đã có khoảng 6ha bị nhiễm mặn không sản xuất được. Nhất là cánh đồng Nước Mặn, thôn Cổ Lũy Nam và Cổ Lũy Làng Cá, hiện người dân chỉ sản xuất được phân nửa diện tích trong vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì hoàn toàn không sản xuất được, vì nhiễm mặn nghiêm trọng.

Giếng nước ngọt bị nhiễm mặn vào mùa khô nên người dân xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) phải mua nước về dùng.                                                     ẢNH:  Ý THU
Giếng nước ngọt bị nhiễm mặn vào mùa khô nên người dân xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) phải mua nước về dùng. ẢNH: Ý THU


Tình trạng xâm mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền, không chỉ khiến người dân loay hoay khi diện tích đất trồng trọt ở ven biển vốn đã ít ỏi, giờ lại phải bỏ hoang, mà còn khiến người dân các vùng ven biển còn lao đao khi các giếng nước ngọt trở thành giếng nước mặn.

Dẫn chúng tôi đi xem hai giếng khoan của gia đình mình, dù đã cố gắng khoan sát chân núi, nhưng vẫn bị nhiễm mặn, bà Võ Thị Lễ, ngụ ở KDC số 4, thôn Cổ Lũy Bắc (Vĩnh Thọ) ngán ngẩm: “Trời càng nắng nóng thì độ mặn của nước giếng càng cao. Cứ tháng 5, 6 trở đi là nước giếng lại đục và lợ như nước muối, không thể uống được”.

Không đành lòng sống chung với nước nhiễm mặn, rất nhiều người dân thôn Cổ Lũy Bắc (Vĩnh Thọ) đồng lòng góp tiền để qua Nghĩa Hà xin đóng giếng và kéo đường ống dẫn nước về dùng. Dù vậy, chỉ được một thời gian là đường ống lại đóng rong rêu, cặn bẩn nên nguồn nước sinh hoạt vì vậy cũng không đảm bảo.

Điệp khúc mua nước đóng chai về uống và nấu cơm... lại tiếp tục diễn ra. Số tiền hằng tháng bà con phải bỏ ra cho việc mua nước cũng không phải nhỏ, bởi bình quân một khối nước sạch đóng chai lên đến 500 nghìn đồng.

Kiến nghị về vấn đề này, ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú mong mỏi: “Các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư công trình nước sạch cho người dân Nghĩa Phú. Bởi hiện nay, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất thổ cư, đang làm ảnh hưởng đến hầu hết các giếng nước ngọt ở địa phương, nhất là các khu dân cư dọc đường bờ nam sông Trà”.

Cũng theo ông Dũng, nếu như mọi năm, phải đến tháng 5, 6 trở đi, tình trạng xâm nhập mặn mới xuất hiện, thì năm nay, mới chỉ tháng 3 tình trạng xâm nhập mặn đã xảy ra...
 

MỸ HOA - Ý THU
 


.