(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quảng Ngãi hiện có 164 xã tham gia chương trình MTQG xây dựng NTM, trong đó vùng đồng bào DTTS có 80 xã (gồm 64 xã thuộc các huyện miền núi và 16 xã miền núi thuộc huyện đồng bằng). Đến đầu năm 2019, có 7 xã ở miền núi được công nhận xã NTM, dự kiến cuối năm nay tăng lên 9 xã.
Số tiêu chí bình quân/xã đạt 10,13 (tăng 5,09 so với năm 2015) và theo kế hoạch đến năm 2020 đạt bình quân 13,5 tiêu chí. Chương trình xây dựng NTM được triển khai đã góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
Trong các tiêu chí, thì tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội chiếm gần 90% tổng mức đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào DTTS. Đến nay, 100% xã vùng cao có đường ô tô đến trung tâm, nhiều công trình giao thông được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng.
Hạ tầng điện, đường được quan tâm đầu tư ở làng Mô Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà). |
Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình phát triển vùng và ngân sách địa phương, các huyện đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa.
Điển hình là các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, suất đầu tư cho giao thông tăng lên hằng năm, từ đó hình thành, hoàn thiện nhiều tuyến đường huyết mạch, có tính chất chiến lược kết nối phát triển vùng.
Tại huyện Sơn Hà, hệ thống đường huyện hiện có 10 tuyến, với chiều dài trên 154km, trong đó có 72,2km đường láng nhựa, 36,7km đường bê tông xi măng. Hệ thống đường xã có 46 tuyến dài 178km, trong đó khoảng 40% là đường láng nhựa và bê tông xi măng. Nhiều trục đường thôn, xóm; đường giao thông nội đồng đã được bê tông...
Đối với huyện Sơn Tây, giai đoạn 2014 - 2019, từ nguồn vốn ngân sách, vốn giảm nghèo, vốn đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, huyện đã triển khai xây dựng khoảng 250 công trình xây dựng hạ tầng lớn, nhỏ, với tổng vốn hơn 400 tỷ đồng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đến nay, tiêu chí bình quân NTM của Sơn Tây đạt 9,11/19 tiêu chí.
Thi công đường giao thông về các xã Ba Trang, Ba Khâm (Ba Tơ). |
Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, nhờ nguồn vốn phủ điện vùng lõm của trung ương, Quảng Ngãi đã có thêm nhiều vùng đặc biệt khó khăn ở 5 xã gồm Ba Giang, Ba Điền, Ba Tô, Ba Ngạc, Ba Xa (Ba Tơ) được sử dụng điện lưới quốc gia. Cũng từ nguồn vốn này, hiện một số vùng đồng bào DTTS của huyện Tây Trà, Sơn Hà cũng sẽ được kéo điện quốc gia về trong các năm 2019, 2020.
Hệ thống cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân cũng được xây dựng mới và hoàn thiện. Đến nay, có 90% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ, hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn. Hệ thống trường mầm non và trường phổ thông các cấp được quy hoạch lại, đảm bảo phù hợp với sự biến động về số lượng học sinh; số trường đạt chuẩn quốc gia là 311 trường.
Bài, ảnh: THANH NHỊ