(Báo Quảng Ngãi)- Nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã (HTX) rất lớn, nhưng đến nay nhiều HTX vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, mặc dù Nhà nước đã có quy định cụ thể về cơ chế, chính sách tín dụng đối với HTX.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hợp tác xã nói khó tiếp cận
Tuy mới thành lập, nhưng các sản phẩm rau thủy canh của HTX Nông nghiệp rau sạch Mầm Việt, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã có chỗ đứng trên thị trường, được các siêu thị, chuỗi cửa hàng đặt hàng, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho HTX. Song, do diện tích sản xuất của HTX hiện chỉ có 1.000m2, nên có nhiều đơn hàng đặt mua nhưng HTX không có sản phẩm để cung ứng. Trước nhu cầu của thị trường, HTX đã xây dựng phương án mở rộng diện tích trồng rau.
Tuy nhiên, việc sản xuất rau sạch bằng phương pháp thủy canh có ứng dụng công nghệ cao cần rất nhiều vốn và HTX đã xây dựng phương án kinh doanh gửi các ngân hàng để xin vay vốn, nhưng đến nay HTX và ngân hàng vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung”.
Sản xuất rau thủy canh tại HTX Nông nghiệp rau sạch Mầm Việt. |
Đến cuối tháng 6.2019, toàn tỉnh có 221 HTX đang hoạt động, nhưng chỉ có 4 HTX được vay vốn ngân hàng, với dư nợ gần 5,8 tỷ đồng, chiếm 0,01% tổng dư nợ, giảm trên 38% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cho vay kinh tế tập thể lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gần 4,1 tỷ đồng, chiếm 0,008% tổng dư nợ, cho vay lĩnh vực vận tải trên 1,7 tỷ đồng, chiếm 0,003% tổng dư nợ. |
Hợp tác xã Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi được thành lập năm 2018 và đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. HTX rất cần vốn tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay HTX vẫn chưa được hỗ trợ về vốn cũng như đất đai để mở rộng chăn nuôi.
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thanh Truyền cho biết: “Nhà nước đã quy định, HTX được vay vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn trên là vô cùng khó khăn”.
Ngân hàng bảo không đủ điều kiện vay
Để tạo điều kiện về nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và HTX nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 sửa đổi, bổ sung về chính sách tín dụng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, các HTX được tổ chức tín dụng cho vay đến tiền tỷ để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa đi vào thực tiễn sau nhiều năm triển khai.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Hà Hoài Nam cho rằng, phần lớn các HTX hiện nay có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng đủ điều kiện cho vay theo quy định; phương án kinh doanh thiếu tính khả thi.
Để tiếp cận được vốn, trước hết, các HTX phải chuyển đổi mô hình hoạt động, giải quyết được những hạn chế… Đặc biệt, các cấp, ngành của tỉnh cần chủ động phối hợp thực hiện giao đất; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nông nghiệp để các HTX có tài sản thế chấp vay vốn đầu tư kinh doanh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Lê Văn Dương, hiện các HTX đang gặp khó về vốn tín dụng và đất đai. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ đề xuất UBND tỉnh chủ trì buổi đối thoại về chính sách với sự tham gia của các HTX, đại diện các ngân hàng và một số cơ quan liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HTX.
Để khơi thông “điểm nghẽn” vốn vay cho HTX, vấn đề về nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng cần được quan tâm. Các HTX cũng cần thay đổi phương thức hoạt động, nhằm tạo sự tin tưởng từ ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng.
Phát triển HTX đang là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần nhận thức rõ, việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho các HTX không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng, mà cần sự vào cuộc một cách tích cực, có trách nhiệm của các bên liên quan.
Bài, ảnh: HỒNG HOA