Ứng phó sự cố tràn dầu trên biển: Còn nhiều hạn chế

09:09, 20/09/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là địa phương có vùng biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ tràn dầu và đã từng xảy ra nhiều sự cố tràn dầu trên biển. Thế nhưng, công tác ứng phó với sự cố này còn nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều vụ tràn dầu


Mới đây, tại khu vực cầu Trà Bồng (giáp ranh hai xã Bình Thạnh và Bình Đông, huyện Bình Sơn), tàu câu mực mang số hiệu QNg 90972 TS của ngư dân Nguyễn Đình Hiệp, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) bất ngờ bốc cháy và bị thiêu rụi hoàn toàn; kéo theo đó là lượng dầu lớn từ tàu tràn ra sông.

Ngay khi xảy ra sự cố, đội ứng cứu sự cố tràn dầu của Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi đã huy động lực lượng triển khai công tác ứng cứu, khoanh vùng, khống chế, ngăn không cho dầu loang.

Trước đó, một vụ cháy tàu cá mang số hiệu QNg 95078 TS trong khu vực cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cũng khiến lượng lớn dầu từ tàu tràn ra ngoài môi trường.

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng Dung Quất (Bình Sơn).
Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng Dung Quất (Bình Sơn).

Cũng trên địa bàn huyện Bình Sơn, trong 12 năm trở lại đây, có khoảng 10 sự cố tràn dầu lớn trên biển. Như sự cố tàu Hải Xuân chở xi măng đã đâm vào tàu Hà Lộc 08 chở dầu tại vùng biển Quảng Ngãi vào tháng 12.2007, khiến 170 tấn dầu FO tràn ra biển. Vào năm 2012, tàu Racer Express có trọng tải 43.000 tấn khi đang neo đậu tại bến số 1, cảng Dung Quất và bơm dầu cặn từ các hầm chứa trong tàu, thì xảy ra sự cố ống bơm bị vỡ khiến 1.000 lít dầu tràn ra biển...

Vướng mắc trong ứng phó

Theo đánh giá của Chi cục Biển và hải đảo tỉnh, vùng biển Quảng Ngãi có lượng tàu thuyền ra vào các cảng biển khá đông đúc và là nơi trung chuyển xăng dầu từ hoạt động dầu khí, nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu.

Quảng Ngãi đã và đang nỗ lực xây dựng nguồn lực, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu trên biển theo quy định như: Thành lập Ban chỉ huy ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh, các đội ứng phó hiện trường tại các địa phương; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu...

Tuy nhiên, các nhiệm vụ mang tính căn cơ trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, như nhiệm vụ đầu tư hệ thống giám sát, phát hiện, ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo Quyết định 1864 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư thiết bị chuyên dụng phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu... thì tỉnh vẫn chưa thực hiện được.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu (Quyết định 02/2013), nhưng từ năm 2013 - 2018, do những vướng mắc về cơ sở pháp lý, nên Sở TN&MT vẫn chưa thể tổ chức hướng dẫn các cơ sở lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình phê duyệt.

Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải cho biết: “Quyết định 02 có quy định, UBND tỉnh và huyện được phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cảng, cơ sở, dự án có hoạt động về khai thác, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu và các sản phẩm dầu có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu.

Tuy nhiên, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt lại không có quy định cụ thể. Vì vậy, Sở chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện, mà chỉ có thể gửi văn bản kiến nghị và chờ”.

Vướng mắc trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch ứng phó, dẫn đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai.

Đến cuối năm 2018, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT mới có căn cứ để đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh có tổng cộng 114 doanh nghiệp phải triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó, nhưng mới có 2 doanh nghiệp đã trình thẩm định và được phê duyệt.

Bài, ảnh: Ý THU
 

.