Ngăn chặn hàng hóa giả mạo "Made in Vietnam"

10:08, 24/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp...
TIN LIÊN QUAN

Truy quét hàng giả mạo

Thực hiện Kế hoạch số 19, ngày 23.7.2019 của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả “về việc tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam” và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt ra quân "truy quét, xử lý" hàng nhái "Made in Vietnam". Mục đích nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam, quyền lợi người tiêu dùng và góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước.
 Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh  mỹ phẩm.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm.

Mới đây, nhận được nguồn tin có phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm đi qua địa bàn tỉnh, Đội QLTT số 4 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) dừng phương tiện mang biển kiểm soát 51C-755.93 để kiểm tra hàng hóa. Qua kiểm tra, Đội phát hiện trên xe có vận chuyển mặt hàng mỹ phẩm vi phạm nhãn hàng hóa, Đội trưởng Đội QLTT số 4 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền là 22,5 triệu đồng.

Trước đó, Đội QLTT số 4 cũng đã phối hợp lực lượng chức năng dừng phương tiện mang biển kiểm soát 51D-041.08 để kiểm tra, phát hiện và xử phạt, với số tiền 25,75 triệu đồng về hành vi vi phạm nhãn hàng hóa. Cùng thời điểm này, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) dừng phương tiện vận tải để kiểm tra, phát hiện và xử phạt 6 vụ, với số tiền 42 triệu đồng.

 "Thị trường Quảng Ngãi, đặc biệt là tại các chợ, hàng hóa được sản xuất và nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng trên nhãn hàng hóa lại gắn "Made in Vietnam", mã vạch, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, nhưng không có hóa đơn, chứng từ, công bố chất lượng sản phẩm. Đây là những mặt hàng nhập lậu, giả mạo nguồn gốc xuất xứ để bán ra thị trường với giá cao gấp nhiều lần so với giá thực tế, nhưng chất lượng không đảm bảo. Đề nghị các Ban quản lý chợ và tiểu thương không kinh doanh các hàng hóa nhập lậu này, không tiếp tay đánh lừa người tiêu dùng".

Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh VÕ MINH TÂM

Tập trung tuyên truyền

Ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý về vi phạm nhãn mác, lực lượng QLTT tỉnh đã đồng loạt ra quân tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến các tiểu thương kinh doanh trong chợ, các chủ cửa hàng, quầy sạp trong nội ô TP.Quảng Ngãi và trung tâm các huyện lỵ. Mục đích giúp người kinh doanh và tiêu dùng hiểu được các quy định của pháp luật; xây dựng tình yêu hàng Việt, có ý thức bảo vệ thương hiệu hàng hóa trong nước.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế các hành vi vận chuyển, buôn bán, gian lận thương mại và hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Theo lực lượng QLTT tỉnh, Quảng Ngãi hiện chưa phát hiện cơ sở sản xuất hàng hóa gắn mác không đúng quy định, nhưng tình trạng tiêu thụ hàng hóa vi phạm nhãn mác khá nhiều, đặc biệt là quần áo, mỹ phẩm, nước hoa. Theo quy định, nếu là hàng hóa do doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam, phải gắn song ngữ "Made in Vietnam" và "Sản xuất tại Việt Nam" mới được đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ. Việc gắn "Made in Vietnam" chỉ dành cho hàng xuất khẩu đi nước thứ ba.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 

.