Đất quế hôm nay

08:08, 27/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong kháng chiến, đồng bào Cor một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Sau ngày giải phóng, cùng với những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cán bộ và nhân dân hai huyện vùng cao Trà Bồng và Tây Trà đã đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng đi lên.

TIN LIÊN QUAN

Phát huy truyền thống Anh hùng

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Minh Sơn (80 tuổi) bảo rằng: "Nhớ lại những tháng ngày đã qua lại càng thêm trân quý những thành quả mà huyện đã đạt được". Theo ông Sơn, trước đây, từ trung tâm huyện Trà Bồng đi xuống tỉnh phải mất cả ngày đường, giờ thì mất chừng một tiếng đồng hồ là đã đến nơi.

Từ chỗ cơ sở hạ tầng yếu kém, tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cùng với đóng góp của nhân dân, huyện Trà Bồng đã xây dựng hàng trăm kí-lô-mét đường nhựa và bê tông. Giao thông thuận lợi, người dân có điều kiện giao lưu, mua bán hàng hóa để phát triển kinh tế, khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược nhờ đó được rút ngắn...

Một góc thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng hôm nay.                           Ảnh: TL
Một góc thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng hôm nay. Ảnh: TL

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc thì cho biết, Đảng bộ và nhân dân trong huyện luôn phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng để viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước, tạo nên gạch nối sống động giữa quá khứ và hiện tại về một Trà Bồng anh hùng - một Trà Bồng năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới. Ông Nguyễn Xuân Bắc dẫn chứng: Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn huyện có lưới điện quốc gia, 98% dân số đã được dùng điện; cấp nước sinh hoạt cho nông thôn đạt 70%; mạng lưới trường học, trạm y tế phủ kín các xã.

Trong giai đoạn 2008 - 2010, kinh tế huyện Trà Bồng tăng trưởng 10,8%/năm, đến giai đoạn 2016 - 2018 tăng 14,85%/năm. Năm 2018, tổng thu ngân sách đạt 420,5 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 457 tỷ đồng, tăng 12,8 lần so với năm 2008. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Năm 2010, hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm 62,3%, đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 32,7%...

 Từ trồng quế nhiều hộ dân ở xã Trà Thọ (Tây Trà) đã vươn lên thoát nghèo.
Từ trồng quế nhiều hộ dân ở xã Trà Thọ (Tây Trà) đã vươn lên thoát nghèo.
"Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế -  xã hội, trong đó chú trọng khai thác cá c tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch", ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết thêm.

Đi lên từ gian khó

Với huyện Tây Trà, trên hành trình kiến thiết xây dựng quê hương, khó khăn không đếm xuể. Bí thư Huyện ủy Tây Trà Phạm Xuân Vinh cho biết: Vào thời điểm mới tách huyện, cơ sở hạ tầng của huyện yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo và mù chữ cao; kinh tế mang tính tự cung, tự cấp, trình độ sản xuất lạc hậu...
 
Từ các nguồn vốn, trong 15 năm qua, huyện Tây Trà đã đầu tư 1.098 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến nay, 9/9 xã có đường giao thông được thâm nhập nhựa, bê tông đến trung tâm xã; đường liên xã, đường thôn, xóm được trải nhựa hoặc bê tông, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại. Lưới điện quốc gia đã kéo đến 100% xã, với 93% số hộ dân được sử dụng điện.
 
Các cánh đồng, đồi núi, rừng đã được phủ xanh và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã từng bước thoát khỏi đói, nghèo. Ngày mới tách huyện, Tây Trà có 95% hộ đói, nghèo, nay giảm còn 64,4%.
 
 Một góc trung tâm huyện Tây Trà.
Một góc trung tâm huyện Tây Trà.

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Tây Trà đạt 8,7%/năm, riêng năm 2018 đạt 10,8%. Một số lĩnh vực có tốc độ phát triển cao như: Nông - lâm nghiệp tăng 11,4%/năm, thương mại  - dịch vụ tăng 17%/năm. Tổng thu ngân sách năm 2018 đạt 12.322 triệu đồng, tăng gấp 33 lần so với năm 2004. Thu nhập bình quân đầu người gần 10 triệu đồng/năm (gấp 11 lần so với năm 2004). Các lĩnh vực xây dựng Đảng, y tế, giáo dục, văn hóa... đạt được một số kết quả đáng mừng.


Bài, ảnh: BÁ SƠN



 

.