"Trà Bồng quật khởi - Bản hùng ca bất tử"

10:08, 24/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chủ đề chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Ngày Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 30 phút tối 28.8, tại Quảng trường 28.8, huyện Trà Bồng, do Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh thực hiện. Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương, tái hiện lại khúc tráng ca hào hùng về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân ta trong những ngày quật khởi và niềm hân hoan xây dựng quê hương, đất nước sau hòa bình.

TIN LIÊN QUAN

Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi đã diễn ra cách đây 60 năm (28.8.1959 - 28.8.2019), nhưng “ngọn lửa thiêng” ấy vẫn còn cháy mãi trong mỗi người con đất Quảng. Cuộc khởi nghĩa đã đánh dấu mốc quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giành lại độc lập cho dân tộc, trở thành bản anh hùng ca bất tử về tinh thần yêu nước.

Những khúc tráng ca

Chương trình nghệ thuật “Trà Bồng quật khởi - Bản hùng ca bất tử” như một câu chuyện kể sử thi được dựng nên bởi những lời thơ, bài ca và điệu múa mang âm hưởng hào khí một thời oai hùng của cha ông. Câu chuyện ấy được bắt đầu bằng tiết mục Thơ múa: “Trà Bồng - Bản hùng ca bất tử”. Đó cũng là tiết mục mở đầu cho chương I: “Anh dũng - quật cường - khơi thông dòng chảy cách mạng miền Nam”.

Thơ múa là tác phẩm nghệ thuật độc lập và có cốt truyện, không gian, thời gian. Các diễn viên thể hiện ngôn ngữ múa dựa trên nền nhạc không lời được các nhạc sĩ: Đinh Thiên Vương, Văn Phượng, Minh Châu sáng tác.

Các diễn viên múa và cộng tác viên của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh hăng say tập luyện chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi.
Các diễn viên múa và cộng tác viên của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh hăng say tập luyện chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 60 năm khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi.

Bản hùng ca được tái hiện bằng những vần thơ, âm nhạc mang âm hưởng hào hùng, kết hợp với ngôn ngữ múa thể hiện tinh thần sôi sục, ý chí căm thù của nhân dân ta trước cảnh lầm than, áp bức đến tận cùng.

Biên đạo múa Đinh Xuân Lâm chia sẻ: “Để tái hiện lại được những ký ức hào hùng bằng âm nhạc và ngôn ngữ múa, đạo diễn ngoài chuyên nghiệp về dàn dựng đòi hỏi phải hiểu được cuộc khởi nghĩa này một cách sâu sắc, khí thế hào hùng của đồng bào ta trong những ngày sôi sục ấy. Làm thế nào để qua ngôn ngữ múa, người xem có thể hiểu được lịch sử của cuộc khởi nghĩa hào hùng”.

Bản hùng ca bắt đầu từ những đàn áp và uất hận, nhân dân ta phải sống trong cảnh lầm than, áp bức đến tận cùng của đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh bám đất, giữ làng.

Ngọn lửa căm thù ngày càng lớn mạnh, những cuộc biểu tình chống đàn áp diễn ra nhiều nơi mà đỉnh cao là quật khởi Trà Bồng vào mờ sáng ngày 28.8.1959, nhân dân và lực lượng thanh niên vũ trang từ các nơi đồng loạt nổi dậy uy hiếp tinh thần binh lính địch, vùng cao Trà Bồng và miền tây Quảng Ngãi bừng bừng khí thế quật khởi.

Ngày mới xây dựng quê hương

Chương II với chủ đề “Tiếp nối truyền thống - Quê hương vững bước đi lên” và “Nhịp điệu ngời sáng tương lai” (Chương 3) là sự tiếp nối của câu chuyện sử thi mà chương trình nghệ thuật sẽ mang đến cho người xem về sự tiếp nối truyền thống hào hùng của quê hương Trà Bồng để lớp lớp thế hệ sau này tiếp bước xây dựng quê hương.

Với những ca từ khỏe khoắn kết hợp với sự vươn lên thể hiện trong ngôn ngữ múa trên nền nhạc hào hùng, tươi mới của các ca khúc “Giải phóng miền Nam”, “Đất nước trọn niềm vui” ca ngợi tình đoàn kết quân dân, sự gắn kết của 4 dân tộc anh em trên mảnh đất anh hùng, sẵn sàng chiến đấu góp phần giải phóng quê hương, đất nước.

Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đinh Thiên Vương cho hay: Chương trình mang sắc thái và văn hóa riêng, đó là sự kết hợp những âm thanh của cồng chiêng, múa cồng chiêng và múa cà đáo do đội văn nghệ quần chúng huyện Ba Tơ và Trà Bồng thể hiện. Âm thanh cồng chiêng vang vọng núi rừng, cùng những hoạt cảnh sinh hoạt đoàn kết vui vẻ, lao động hăng say trong sản xuất, thắt chặt tình quân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kết thúc câu chuyện kể sử thi hào hùng của vùng đất quế là tiết mục hát múa “Buôn làng vào hội” của nhạc sĩ Đinh Thiên Vương. Đây là ca khúc được ông sáng tác năm 2017, trên nền chất liệu dân ca dân tộc Ca Dong. Ca khúc thể hiện sự tươi vui, mừng lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Ngãi khi nước nhà hoàn toàn độc lập.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 

.