Tử tế với biển

03:07, 28/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chẳng đành lòng nhìn rác thải nhựa xâm lấn, gây ô nhiễm môi trường biển, người dân làng chài Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) không chỉ thu gom, xử lý, mà còn đề xuất, kêu gọi cộng đồng thực hiện dự án cải thiện môi trường.
TIN LIÊN QUAN

Đến thời điểm này, đã có 270 vỏ thùng sơn cũ, 400 cây hoa giấy, hơn 20 triệu đồng tiền mặt... được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh gửi về, nhằm đồng hành cùng người dân thôn Hải Ninh cải thiện môi trường tại cửa biển Sa Cần.

Xới cát... dọn rác

Ngư dân Trịnh Lại, ở làng chài Hải Ninh (xã Bình Thạnh) chia sẻ: “Cửa Sa Cần là khu vực tàu câu mực của chúng tôi thường neo trú sau mỗi phiên biển. Mỗi lần đi biển về, thấy cảnh rác theo dòng nước tấp đầy lên bờ, mấy anh em ngao ngán quá. Bởi vậy, sẵn đang trong thời gian nghỉ biển, tôi tranh thủ theo mọi người ra đây dọn rác, để đợt sau đi biển về, tôi được thấy bờ biển sạch đẹp  hơn”.
Người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), thu gom nilon, rác thải nhựa tại cửa biển Sa Cần.
Người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), thu gom nilon, rác thải nhựa tại cửa biển Sa Cần.
 
Là điểm cuối của sông Trà Bồng, rác thải tại cửa Sa Cần không chỉ phát sinh tại xã Bình Thạnh, mà còn lượng lớn rác thải từ các địa phương khác theo sông đổ về. Vì vậy, dù đường bờ biển dọc cửa Sa Cần dài chưa đến 2km, nhưng người dân làng chài Hải Ninh phải mất cả tuần mới tạm dọn dẹp xong bao nilon, rác thải nhựa. Thậm chí, người dân nơi đây phải nhờ đến sự hỗ trợ của máy móc mới có thể thu gom được rác thải nhựa, bao nilon tích tụ, nằm sâu dưới lòng cát.

Thay đổi thói quen

Không chỉ dừng lại ở hành động dọn rác, nhiều người con của làng chài Hải Ninh còn đứng ra kêu gọi người dân đối xử tử tế với môi trường, bằng cách xây dựng thói quen phân loại rác thải tại nguồn và ngưng đổ rác thải ra môi trường. Bởi với họ, đây mới là giải pháp lâu dài giúp bảo vệ môi trường bền vững; ngăn chặn rác thải, nhất là rác thải nhựa đổ ra biển.
 
 Người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), góp tiền và ngày công thuê xe máy đào về dọn bao nilon, rác thải nhựa tại cửa biển Sa Cần.
Người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), góp tiền và ngày công thuê xe máy đào về dọn bao nilon, rác thải nhựa tại cửa biển Sa Cần.
 
“Dọn rác chỉ là phần nhỏ; tuyên truyền, thay đổi nhận thức của bà con mới là chuyện lớn. Bởi rất nhiều lần, phụ nữ, rồi thanh niên chúng tôi đứng ra dọn rác, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Vì vậy, phải làm sao cho mọi người hiểu được tác hại của rác thải nhựa”, Trưởng thôn Hải Ninh Dương Duy Din chia sẻ.

Xuất phát từ trăn trở đó, anh Dương Duy Din đã và đang đứng ra kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện dự án “Tử tế với Sa Cần”, hướng đến mục tiêu giảm dần lượng rác thải đổ ra cửa biển Sa Cần, cải thiện môi trường nơi đây.
 
“400 hộ dân ven sông Trà Bồng và cửa biển Sa Cần sẽ được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, được tặng mỗi hộ 2 thùng rác (từ vỏ thùng sơn cũ, hoặc thùng rác mua mới), được hướng dẫn cách phân loại rác hữu cơ dễ phân hủy, rác khó phân hủy; cách tận dụng rác hữu cơ dễ phân hủy để ủ làm phân bón. Từ đó, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi “đầu độc” sông, biển của người dân”, anh Din cho biết.

Từ những ấp ủ hướng đến môi trường đó, Dự án cộng đồng “Tử tế với Sa Cần” vừa mới phát động trên mạng xã hội Facebook từ đầu tháng 7.2019, nhưng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
 
“Tình cờ biết đến dự án này thông qua Facebook, thấy mục tiêu liên quan đến môi trường mà dự án hướng đến, tôi cảm thấy rất cảm kích và quyết định đóng góp ngay một phần sức lực”, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, quê Quảng Nam chia sẻ. Không sinh sống và làm việc tại Hải Ninh, nhưng chị Ngọc đã không ngại vừa tự bỏ tiền túi, vừa kêu gọi bạn bè ủng hộ 200 vỏ thùng sơn cũ cho dự án...
 
Tìm lại bãi cát trắng ngày xưa
Chị Đỗ Thị Nga, một người dân sống tại thôn Hải Ninh, vừa ủng hộ gần 20 triệu đồng thuê máy móc, đồng hành cùng người dân Hải Ninh dọn rác thải nhựa, bao nilon tích tụ dày cả mét nằm sâu dưới lòng cát tại cửa biển Sa Cần cho biết: Hai chục năm rồi, tôi mới có dịp ra thăm lại cửa Sa Cần và hết sức bất ngờ với hình ảnh “đập” ngay vào mắt mình. Không còn là bãi cát trắng của ngày xưa, Sa Cần bây giờ ngập tràn bao nilon, cát cũng bị nhuộm đen vì chất bẩn. Chua xót quá, tôi về bàn với chồng, góp tiền để thuê máy móc và rủ mọi người trong thôn dọn dẹp lại bãi biển.
 
Bài, ảnh: Ý THU

.