(Báo Quảng Ngãi)- Tuy dồn điền đổi thửa (DĐĐT) không phải là tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng nhiều xã đã chọn công tác này làm khâu đột phá, đặc biệt là trong giai đoạn “nước rút” để về đích NTM. Đây không chỉ là yếu tố giúp bà con nông dân sản xuất được thuận lợi, mà còn tạo đà cho sự hình thành các cánh đồng mẫu lớn.
"Khó vạn lần dân liệu cũng xong"
Những ngày này, về cánh đồng Gò Mèn rộng hơn 40ha ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân (Mộ Đức), sẽ thấy hình ảnh máy xúc, máy ủi hoạt động liên tục để cải tạo đồng ruộng, kịp giao đất cho bà con vào vụ lúa mới. Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lân Phan Duy Gần cho biết: “Theo kế hoạch, năm nay toàn xã sẽ DĐĐT hơn 182ha. Do đó, công tác này đang được tích cực triển khai thực hiện trước vụ lúa hè thu. Điều đáng nói, người dân ai cũng đồng tình và tự thương lượng với nhau giao đất, đổi đất để bộ phận thi công tiến hành san ủi cho kịp tiến độ”.
Cánh đồng Gò Mèn hơn 40ha của xã Đức Lân (Mộ Đức) đang được dồn điền đổi thửa. |
Đơn cử như hộ của ông Đoàn Thanh Luyện, thôn Thạch Trụ Tây, những năm trước, hơn 5 sào đất gò của ông gần nhà, rất phù hợp với việc sản xuất, gieo sạ, nhưng vì để thuận lợi cho công tác phân chia lại đất cho các hộ dân, nên ông đã đổi lấy 4,5 sào gần mép sông để sản xuất. Ông Luyện cho biết: “Tuy có xa hơn, đường đi cũng khó hơn, nhưng vì việc chung, mình bằng lòng đổi ruộng. Mỗi người trách nhiệm một ít, có như vậy công tác DĐĐT mới mau chóng hoàn thành, người dân sẽ gieo sạ kịp mùa vụ”.
Với địa hình đất nông nghiệp không “liền canh, liền cư”, thế nhưng hai năm trở lại đây, xã Bình Phước (Bình Sơn) cũng đã nỗ lực rất nhiều trong công tác DĐĐT. Năm 2018, địa phương đã tiến hành DĐĐT hơn 30ha đất ruộng gò đồi, bị chia cắt ở thôn Phú Long 1. Khi triển khai công tác này, chính quyền nhận được sự đồng tình của người dân. Bà Nguyễn Thị Đông, ở thôn Phú Long 1 (Bình Phước), cho biết: “Khi chính quyền phát động việc DĐĐT, chúng tôi mừng lắm. Chỉ mong san ủi các thửa ruộng gò đồi và sáp nhập ruộng cho liền kề, tiện cho việc canh tác. Ai nấy đều phấn khởi và tự thỏa thuận với nhau đổi ruộng”.
Thực hiện trên quy mô lớn
Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT, năm 2019, toàn tỉnh sẽ DĐĐT với tổng diện tích hơn 2.500ha, kinh phí hỗ trợ lên đến 58,94 tỷ đồng. Trong đó, huyện Mộ Đức và Bình Sơn là những địa phương có bước đột phá mạnh mẽ trong công tác này. Riêng huyện Mộ Đức, có hai xã Đức Lân và Đức Chánh thực hiện công tác DĐĐT với tổng diện tích hơn 380ha, đồng thời tiến hành thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, để hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn ở tất cả các xứ đồng trên địa bàn.
Dồn điền đổi thửa sẽ giúp nông dân xã Bình Phước (Bình Sơn) áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân, trong 2 năm (2019 - 2020), công tác DĐĐT sẽ được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương với quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc hướng tới cánh đồng mẫu lớn là mục tiêu hàng đầu trong công tác này. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các xã đều đăng ký DĐĐT và trong giai đoạn 2019 - 2020 sẽ có hơn 1.550ha được DĐĐT.
Chủ tịch UBND xã Bình Phước Nguyễn Thế Nhân cho biết: “Năm 2019, toàn xã sẽ tiến hành DĐĐT thêm 70ha. Đây được xem là một trong những bước đột phá của địa phương, vì địa hình đất nông nghiệp của Bình Phước không được tập trung do bị chia cắt nhiều, khiến việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm nhiều biện pháp để tiến hành DĐĐT hơn 400ha còn lại”.
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU