(Báo Quảng Ngãi)- Ngoài việc phân bổ kinh phí chậm, công tác chỉnh lý hồ sơ đất đai, đầu tư hạ tầng thiết yếu... chưa được tập trung triển khai là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn tỉnh.
TIN LIÊN QUAN
Xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp
“Triển khai công tác DĐĐT là nhằm giải quyết tình trạng manh mún và phân tán ruộng đất, tạo tiền đề để mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Ngọc Thương cho biết. Trước đây, bình quân mỗi hộ nông dân có từ 3 - 7 thửa ruộng, diện tích dưới 500m2/thửa, nhưng sau khi DĐĐT thì giảm còn 1-2 thửa/hộ, diện tích từ 800-1.000m2/thửa. Việc “giảm số thửa, tăng diện tích” không chỉ giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, mà còn giảm được chi phí và công lao động. Chính vì vậy, người dân các địa phương trong tỉnh đều hưởng ứng chủ trương này.
Nếu không kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thì thời gian tới việc DĐĐT trên đất màu sẽ gặp nhiều khó khăn. |
Hơn nữa, ngoài nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ, những năm qua, với sự đóng góp của người dân và các nguồn lực xã hội, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở những cánh đồng thực hiện DĐĐT. Nhờ đó, hàng trăm kilômét đường giao thông nội đồng, kênh mương đã được bê tông, cứng hóa. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành được 103 cánh đồng lớn, với diện tích trên 2.000ha, đạt giá trị kinh tế sau thu hoạch trên 200 triệu đồng/ha.
“Để phong trào DĐĐT không bị “lỡ nhịp”, bên cạnh việc phân bổ nguồn vốn hỗ trợ DĐĐT kịp thời, quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu ở những cánh đồng sau khi DĐĐT, tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Bởi lẽ, thời gian đến không chỉ thực hiện đối với đất lúa, mà còn áp dụng trên cả đất màu và diện tích nuôi trồng thủy sản”.
|
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng việc triển khai công tác DĐĐT trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm. Nguyên nhân, do một số địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo triển khai và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo phương án đã đề ra. Mặt khác, do nguồn ngân sách hỗ trợ chậm phân bổ, nên làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện DĐĐT.
Theo kế hoạch, năm 2018, toàn tỉnh DĐĐT gần 2.100ha, với tổng kinh phí trên 47,7 tỷ đồng, nhưng ngân sách chỉ bố trí một nửa. Bên cạnh đó, do siết chặt đầu tư công, nên một số địa phương chỉ thực hiện trong khoảng diện tích được hỗ trợ, không thực hiện theo nhu cầu của người dân, vì lo phát sinh nợ.
“Thực hiện DĐĐT chậm còn ảnh hưởng đến hiệu quả huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng và việc liên doanh - liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo phương thức bao tiêu sản phẩm cũng chững lại”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung cho biết.
Một vấn đề nữa là, sau DĐĐT, vị trí, diện tích đất, số thửa, tờ bản đồ... bị biến động, nhưng công tác đo đạc, chỉnh lý và cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thực hiện còn chậm. Thực tế thời gian qua có hàng nghìn hécta sau DĐĐT vẫn chưa được cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ, khiến người dân ngại tham gia DĐĐT, vì tâm lý sợ mất đất! Chính quyền một số địa phương cho rằng, nguyên nhân là do Sở TN&MT chưa hướng dẫn công tác đo đạc, chỉnh lý biến động, cũng như trình tự thực hiện các thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận QSDĐ. Trong khi đó, Sở TN&MT thì cho biết, do các địa phương cứng nhắc, chưa linh hoạt trong thực hiện theo Quyết định 50 của UBND tỉnh.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nông dân, cũng như đẩy nhanh tiến độ DĐĐT, chính quyền các địa phương, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT cần tích cực phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đo đạc, chỉnh lý biến động ruộng đất để cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận QSDĐ sau DĐĐT. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh nguồn ngân sách hỗ trợ, đảm bảo hiệu quả thực hiện công tác DĐĐT.
Bài, ảnh: MỸ HOA