(Báo Quảng Ngãi)- Xã An Bình, hay còn gọi là đảo Bé (Lý Sơn) có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại cách trở, nhưng được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tận dụng lợi thế đó, người dân trong xã đã đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đầu tư phát triển dịch vụ du lịch
Gần 20 năm làm nghề biển khai thác hải sản ở nhiều ngư trường xa bờ, nhưng kinh tế gia đình ngư dân Phạm Văn Trọng, ở khu dân cư số 2, xã An Bình vẫn không khá lên được. Anh Trọng bộc bạch: Nghề biển khá gian truân, thiên tai và nhân tai luôn rình rập, nhưng cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Vì thế, tôi quyết định gác lại nghề biển để chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch.
Nhiều hộ dân ở xã An Bình (Lý Sơn) đầu tư canô để phục vụ khách du lịch. |
Năm 2016, với số vốn tích góp từ những năm đi biển và vốn vay từ Chương trình giải quyết việc làm, anh Trọng đầu tư 140 triệu đồng để mua xe ô tô điện phục vụ chở khách du lịch; đồng thời, mua thêm thúng, cho thuê áo phao để phục vụ nhu cầu tắm biển, lặn ngắm san hô của du khách. Nhờ việc kinh doanh thuận lợi, đầu năm 2017, anh Trọng tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng để mở thêm quán ăn ngay cạnh bãi tắm, nhằm phục vụ du khách.
Trong những năm qua, lượng khách đến đảo An Bình du lịch ngày càng đông, nên việc kinh doanh của gia đình anh Trọng gặp nhiều thuận lợi. Mỗi ngày, trừ các khoản chi phí, gia đình anh còn có thu nhập hàng triệu đồng, kinh tế gia đình ngày một khấm khá.
Với anh Bùi Văn Minh, tuy là một nông dân nhưng anh cũng đã chớp lấy thời cơ để đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhằm phục vụ khách du lịch mỗi khi ra đảo. Với số vốn ban đầu gần 100 triệu đồng vay từ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, anh Minh đã đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú homestay, rộng trên 90m2. Với giá phòng 50 nghìn đồng/người/ngày, cùng với dịch vụ ăn uống tại chỗ rất tiện lợi, nên mỗi ngày cơ sở của anh Minh đón hàng chục du khách vào ở. Anh Minh chia sẻ: Giờ đây, các thành viên trong gia đình đều tập trung chăm lo cho cơ sở lưu trú này để có nguồn thu nhập ổn định. Thời gian đến, tôi sẽ đầu tư mở rộng cơ sở lưu trú homestay, nhằm phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.
Góp phần giảm nghèo
Theo thống kê của UBND xã An Bình, hiện toàn xã có 140 hộ dân, với 554 khẩu. Năm 2015, số hộ nghèo, cận nghèo của địa phương chiếm 80%, thì nay đã giảm xuống còn 10%. Mỗi năm, số người có việc làm mới ổn định tăng cao. Toàn xã hiện có 22 xe điện, 2 xuồng chở khách, gần 15 quán ăn và 52 thuyền thúng phục vụ nhu cầu lặn ngắm san hô của du khách. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn kinh doanh bán đồ lưu niệm, đặc sản địa phương, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Chủ tịch UBND xã An Bình Huỳnh Minh Hùng cho biết: Cách đây khoảng 3 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương luôn ở mức cao, nhưng từ khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã động viên, khuyến khích một số người dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp, hành nghề chài lưới ven đảo sang kinh doanh dịch vụ du lịch. Nhờ đó, đời sống của người dân đã được cải thiện, nhiều hộ nghèo nay đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Thời gian đến, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.
Bài, ảnh: VĂN MỊNH