(Baoquangngai.vn)- Mặc dù đã được các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường trong các Khu Công nghiệp (KCN), Cụm Công nghiệp (CCN), làng nghề, song, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững. Câu chuyện này không mới, nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Báo động ô nhiễm môi trường
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có KKT Dung Quất, 2 KCN tập trung, 21 làng nghề và 18/22 CCN đã và đang đầu tư xây dựng và hoạt động với hàng ngàn doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sự phát triển không ngừng về số lượng các nhà máy, cơ sở sản xuất trong các KCN, CCN và làng nghề đã góp phần giải quyết được bài toán về phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, hỗ trợ đắc lực phát triển các thế mạnh của từng địa phương…
Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Bởi, không ít nhà máy, cơ sở thiếu “mặn mà” với công tác xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và trở thành những vấn đề “nóng” đối với nhiều địa phương.
Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, hầu hết các CCN trên địa bàn tỉnh như: CCN Bình Nguyên, Tịnh Ấn Tây, La Hà, Thạch Trụ, Quán Lát và Đồng Dinh... chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, chỉ mới đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mặt, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo quy định.
Tuy nhiên, do sự phát triển “nóng” các CCN vừa xây dựng, hoàn thiện vừa kêu gọi đầu tư dẫn đến tình trạng hạ tầng chưa xong, doanh nghiệp đã đi vào hoạt động. Vì thiếu hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung nên để xử lý nước thải, không ít các cơ sở trong CCN làm trái quy định, đối nối nước thải vào hệ thống nước mưa.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Sơn và Tư Nghĩa, kết quả quan trắc nước thải, nước ngầm tại một số hộ dân xung quanh CCN Bình Nguyên và kết quả quan trắc nước thải tại điểm cuối hệ thống thoát nước CCN La Hà đều có thông số Coliform vượt so với quy chuẩn cho phép.
Ngoài ra, theo kết quả quan trắc của Đoàn giám sát HĐND tỉnh, nước mặt kênh Chìm tiếp nhận nước thải của CCN Tịnh Ấn Tây có thông số Photphat vượt ngưỡng 3 lần; nước mặt của sông Bàu Tá, tiếp nhận nước thải của CCN La Hà có thông số TSS vượt ngưỡng 1,1 lần, COD vượt ngưỡng 1,2 lần so với chuẩn của nước dùng cho mục đích tưới tiêu- thủy lợi và nước ngầm tại 1 doanh nghiệp trong CCN La Hà có thông số sắt vượt 1,66 lần.
|
Dòng nước đen kịt trên kênh Chìm do các nhà máy, cơ sở sản xuất trong CCN Tịnh Ấn Tây xả ra |
Cùng với tình trạng ô nhiễm ở các CCN, tình trạng ô nhiễm của những cơ sở sản xuất ở một số làng nghề trên địa bàn tỉnh cũng đang ở ngưỡng báo động.
Có mặt tại làng nghề chế biến bún tươi thuộc xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) chúng tôi được chứng kiến quy trình sản xuất bún của một số hộ dân ở đây. Từ quy trình này, mỗi ngày cho ra “lò” hàng tấn bún các loại, cung cấp cho cả huyện, thậm chí cả tỉnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với lượng bún, làm ra là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng bởi chất thải mà chủ yếu là nước thải từ làm bún, họ mặc nhiên xả thẳng ra môi trường và hậu quả là mương nước, ao hồ gần đó phải “lãnh đủ”.
Qua kết quả điều tra và đánh giá mức độ ô nhiễm tại làng nghề chế biến bún tươi xã Nghĩa Mỹ (với 73 cơ sở sản xuất bún), nguồn nước mặt nơi tiếp nhận nước thải sản xuất của làng nghề (mương dẫn tại Bàu Sen ra sông Cây Bứa và tại Bàu Sen) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các chỉ tiêu TSS, BOD, COD, DO, Coliform, Ecoli… và tổng lượng dầu mỡ trong nước mặt tại đây đều vượt quy chuẩn cho phép.
Không riêng gì các CCN, làng nghề mà hiện tại công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại Khu Kinh tế Dung Quất và một số KCN cũng chưa được đầu tư đồng bộ. Đơn cử như tại KCN Tịnh Phong, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, đến nay KCN này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy xử lý và xả ra môi trường không theo một quy chuẩn nào.
“Phớt lờ” quy định pháp luật
Trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì tình trạng doanh nghiệp "phớt lờ" các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn ra phổ biến. Nguyên nhân có nhiều nhưng chính việc “xem nhẹ” khâu kiểm soát đầu vào trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đã tạo kẽ hở để nhiều doanh nghiệp lách luật, dẫn tới nhiều hệ lụy.
Vừa qua, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014- 2017”; qua đó, đã nêu lên hàng loạt vi phạm trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.
Kết quả giám sát cho thấy, một số cơ sở sản xuất dù không có hồ sơ, thủ tục môi trường những vẫn hoạt động. Bản cam kết bảo vệ môi trường của một số cơ sở do địa phương xác nhận chưa đánh giá hết tác động phát sinh khi dự án đi vào hoạt động. Có trường hợp Kế hoạch bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất không đảm bảo như: Công ty gỗ Hùng Diệp, Công ty TNHH MTV Nhựa Đại Tân... nhưng vẫn được một số địa phương xác nhận.
Điều đáng nói, báo cáo đánh giá tác động môi trường của Đề án bảo vệ môi trường chi tiết của một số nhà máy giấy thuộc CCN Tịnh Ấn Tây cho phép nước thải sau xử lý được tuần hoàn tái sử dụng, nhưng báo cáo, đề án chưa thực hiện đánh giá chất lượng nước sau xử lý dùng để tuần hoàn tái sử dụng trong sản xuất có đáp ứng được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sử dụng cho mục đích tương ứng hay không theo các quy định của Bộ Xây dựng.
Theo đánh giá tác động môi trường của dự án “Đầu tư bổ sung dây chuyền sản xuất giấy KRAFT tổng hợp giai đoạn 2” của Công ty Cổ phần giấy Thiên Long trong CCN Tịnh Ấn Tây thì nước thải sau hệ thống xử lý để đưa vào tái sử dụng có chỉ số TSS vượt 8 lần, BOD5 vượt 22 lần, COD vượt 8,8 lần và độ màu vượt 4,8 lần so với quy chuẩn cho phép.
Hay như, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết của Công ty Cổ phần giấy Hiệp Thành cho phép nước thải sản xuất nhà máy giấy được tuần hoàn tái sử dụng không thải ra môi trường nhưng thực tế, qua kiểm tra doanh nghiệp vẫn xả nước thải chưa đạt chuẩn ra môi trường. Trước đó, năm 2017, doanh nghiệp này cũng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính 47 triệu đồng vì xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.
|
Một số cơ sở sản xuất xả thẳng nước thải ra môi trường |
Qua giám sát, Đoàn giám sát cũng đã phát hiện, công trình xử lý nước thải, khí thải của Công ty TNHH La Hà, Công ty cổ phần ANFA, Cơ sở giấy Sông Vệ Trần Kim Hoanh, Nhà máy sản xuất phân bón NPK và phân vi sinh của Công ty TNHH MTV Việt Đức, Công ty TNHH Lập Đông không đúng theo quy trình công nghệ đã cam kết nên có trường hợp xả thải chưa qua xử lý ra môi trường hay nước thải không tuần hoàn tái sử dụng mà khả năng thẩm thấu xuống đất.
Thậm chí, Công ty TNHH Hiệp Thông đã đầu tư công trình xử lý nước thải nhưng xem nhẹ và phớt lờ việc chấp hành pháp luật về môi trường không thực hiện xử lý mà xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường.
Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên qua kết quả kiểm tra mẫu của Đoàn giám sát, chất lượng nước thải sau xử lý của một số cơ sở sản xuất chưa đảm bảo quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Chẳng hạn như, nước thải của cơ sở sản xuất nha Thanh Thúy (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành) có TSS vượt 6,82 lần, tổng Nitơ vượt 3,1 lần, tổng phốt pho vượt 5,51 lần, BOD5 vượt 25 lần, COD vượt 16,6 lần so với quy chuẩn. Trước đó, sông Phước Giang nơi nhận nước thải của cơ sở sản xuất nha này từng xảy ra hiện tượng cá chết, gây bức xúc cho người dân.
Không đánh đổi môi trường lấy đầu tư
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN, làng nghề dư luận đặt câu hỏi: trách nhiệm của các địa phương và các sở, ngành liên quan đến đâu? Với những cơ sở sản xuất cố tình “quên” xử lý chất thải như trong thời gian qua, thì vấn đề bảo vệ môi trường ở địa phương sẽ đi về đâu và cuộc sống người dân sẽ ra sao trước những thách thức từ ô nhiễm môi trường sống?...
Trong kỳ họp kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XII mới đây, vấn đề xử lý nước thải tại các cơ sở sản xuất ở KCN, CCN, công tác quản lý, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường… cũng lại một lần nữa được các đại biểu đưa ra “mổ xẻ”, chất vấn lãnh đạo Sở TN& MT tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Giám đốc Sở TN& MT tỉnh Đỗ Minh Hải thừa nhận, theo quy định thì tất cả các KCN, CCN và kể cả làng nghề đều phải có hệ thống xử lý nước thải, chất thải công nghiệp. Song, do kinh phí hạn hẹp, nên trong thời gian qua tỉnh mới chỉ đầu tư xây dựng được khu xử lý chất thải tập trung cho KCN Sài Gòn- Dung Quất và KCN Quảng Phú. Còn lại chưa có CCN nào trên địa bàn tỉnh có khu xử lý chất thải tập trung.
Cùng với hạ tầng kỹ thuật vào vệ môi trường chưa đồng bộ, ý thức chấp hành các quy định phát luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp chưa cao thì công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nhiều quy định về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - kinh doanh của cấp ngành, địa phương liên quan cũng chưa thường xuyên và sâu sát.
Theo Sở TN& MT tỉnh, năm 2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 84 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, chỉ mới triển khai 8 đợt thanh tra về môi trường tại 40 đơn vị.
Giám đốc Sở TN& MT tỉnh Đỗ Minh Hải cho biết, số lượng các cuộc thanh tra như vậy là rất ít so với số lượng các cơ sở cần thanh tra. Một phần nguyên nhân cũng do đơn vị thiếu cán bộ chuyên trách nên việc lập kế hoạch kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp không đầy đủ. Thời gian tới, Sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong danh sách cần phải di dời.
|
Đã đến lúc cần phải có những giải pháp căn cơ để bảo vệ môi trường nhằm KT- XH một cách phát triển bền vững |
Đề cập đến vấn đề môi trường tại các KCN, CCN trước những băn khoăn của những đại biểu HĐND trong Kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bình nhìn nhận, thời gian qua, việc đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chức năng đối với các dự án có nơi đánh giá đúng, có nơi thì chưa sát thực tế.
Công tác kiểm soát, hậu kiểm không tốt. Đa số chỉ dừng lại ở khâu tiền kiểm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện chặt chẽ khâu tiền kiểm, hậu kiểm và kiểm soát; đồng thời, sẽ mạnh tay xử lý, thậm chí sẽ đóng cửa các cơ sở sản xuất nếu vi phạm về môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, trong buổi tiếp xúc cử tri tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), trước những phản ánh bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường của các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn xã nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần phải có chủ trương định hướng và lựa chọn nhà đầu tư, không nên lựa chọn nhà đầu tư mà có nguy cơ làm ô nhiễm cao.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu nhà đầu tư chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng ô nhiễm. Nếu nhà đầu tư nào để xảy ra tình trạng ô nhiễm mà không khắc phục thì tước giấy phép và bước cuối cùng là xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm khác nhau.
Để xảy ra ô nhiễm môi trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng doanh nghiệp không thể vì lợi nhuận mà bắt nhân dân phải gánh chịu hậu quả về sức khỏe do ô nhiễm môi trường gây ra. Đã đến lúc chúng ta phải bàn cho thấu đáo câu chuyện xử lý ô nhiễm môi trường, đừng để mãi là “chuyện dài nhiều tập”. Hãy siết chặt trong thẩm định đầu tư, mở các dự án.
Để phát triển KT- XH tỉnh nhà không thể không làm công nghiệp, nhưng cần có sự thống nhất từ tư duy đến hành động, kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy dự án, nhằm hướng đến phát triển một nền kinh tế bền vững.
Bảo Ngọc