Ô nhiễm môi trường ven biển: Đừng để "cha chung không ai khóc"

07:07, 29/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ô nhiễm môi trường ven biển không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân, mà còn tác động tiêu cực đến việc nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, hiện nay ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

TIN LIÊN QUAN

Mặc dù chính quyền xã Bình Châu (Bình Sơn) đã tích cực trong việc tuyên truyền, cũng như thực hiện việc thu gom, xử lý, nhưng mỗi ngày, lượng rác tồn đọng vẫn còn khá lớn, nhất là khu vực chợ và bờ kè thôn Định Tân. “Dân cư đông đúc, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày nhiều, cộng với việc một số người dân đụng đâu vứt đó, nên rác thải tràn lan.

Chính vì vậy, mỗi khi thủy triều lên là rác ngoài biển tấp vào bờ, rất hôi”, bà Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Định Tân cho biết. Theo chính quyền xã Bình Châu, ô nhiễm môi trường biển hiện nay chính là hệ lụy của tình trạng nuôi tôm và khai thác rong mơ ồ ạt, cộng với một bộ phận người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường.

 

 Rác thải bên bờ biển xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).
Rác thải bên bờ biển xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).


Còn tại vùng biển xã Đức Phong (Mộ Đức), người dân cũng thấp thỏm âu lo trước tình trạng chủ hồ tôm lấy nước từ biển và nước ngọt từ các giếng khoan ven bờ để nuôi tôm. Thế nhưng, hầu hết các chủ hồ tôm đều không có hệ thống xử lý nước thải, nên nước thải trong quá trình nuôi và sau khi vệ sinh hồ tôm được xả trực tiếp ra biển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, mà còn tác động tiêu cực đến việc nuôi tôm.

Tại bãi biển Mỹ Khê, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), tình trạng vứt rác bừa bãi của một bộ phận người dân và du khách cũng xảy ra. Chính vì vậy, dù được đánh giá là bãi biển đẹp nhất tỉnh, nhưng bãi biển Mỹ Khê vẫn nhếch nhác vì... rác! “Không chỉ tác động đến du lịch, mà chất lượng nước biển ở khu vực bãi tắm Mỹ Khê cũng ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.

Vì nếu hút nguồn nước này vào ao nuôi tôm sẽ dễ phát sinh dịch bệnh. Còn nếu bơm vào bể để giữ cho thủy sản tươi sống lâu thì khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Trương Thanh Thảo cho hay.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông cho biết: Cùng với rác thải sinh hoạt, việc xả trực tiếp nguồn chất thải và nước thải trong nuôi trồng và chế biến thủy sản là nguyên nhân chính khiến môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường biển, cũng là “cứu” ngành nuôi trồng thủy sản nước lợ, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường vai trò quản lý trong việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đặc biệt là nâng cao năng lực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Chính quyền và ngành chuyên môn cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm những cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản, tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ” như hiện nay.          


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.