Công ty Điện lực Quảng Ngãi: Sáng tạo nâng cao hiệu quả lao động

10:12, 10/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành điện là ngành kinh doanh đặc thù, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân kỹ thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, đồng thời tự nghiên cứu sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong vận hành máy móc, nhằm nâng cao hiệu quả lao động.

TIN LIÊN QUAN


Máy quấn kéo kết hợp

Thay dây mới trên lưới điện trung áp và hạ áp có máy quấn kéo kết hợp là sáng kiến của kỹ sư Bùi Văn Thanh (Điện lực Mộ Đức), được cán bộ kỹ thuật điện đánh giá cao.

 

Kỹ sư Bùi Văn Thanh bên chiếc máy quấn kéo kết hợp.
Kỹ sư Bùi Văn Thanh bên chiếc máy quấn kéo kết hợp.


Máy quấn kéo kết hợp tận dụng một số vật liệu sắt thép có sẵn để gia công, tính toán các chỉ số truyền động và tốc độ kéo dây để lắp ghép máy nổ với hệ thống nhông giảm tốc, tạo thành một chiếc máy thu dây và kéo dây. Công năng của máy vừa cho ra dây mới, vừa quấn thu hồi dây cũ, lợi công lao động, không làm thất thoát dây thu hồi, đồng thời rút ngắn thời gian thi công cho các đơn vị, khôi phục lưới điện nhanh chóng, giảm thời gian mất điện kéo dài trên diện rộng do quá trình thay dây, đảm bảo an toàn điện, cải thiện điều kiện làm việc. Sáng kiến của anh Bùi Văn Thanh đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi Sáng kiến kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 10.

Anh Thanh chia sẻ: Từ trước đến nay, trong quá trình thi công thay thế các loại dây dẫn trung, hạ áp phải trải qua hai công đoạn: Thu hồi dây dẫn cũ và kéo dây mới. Toàn bộ thực hiện bằng sức người, chi phí thi công cao. Trước tình hình đó, bản thân và cộng sự đã nghiên cứu thiết kế một máy vừa thu hồi dây dẫn, vừa kéo được dây mới, rất an toàn và hiệu quả cao. Máy này thay thế cho khoảng 20 người, kéo dây và nhiều phương tiện xe tải thu dây. Máy có cấu tạo đơn giản, linh hoạt trong mọi điều kiện địa hình nơi thi công, thời gian thực hiện quấn dây nhanh, gọn, đơn giản, ai cũng sử dụng được.

Bộ nâng áp cho máy thử rơle

Sáng kiến này do kỹ sư Phạm Ngọc Huấn và cộng sự thực hiện. Hiện tại, bộ thử nghiệm rơle Mentor 12-3V3I đang được áp dụng thử nghiệm cơ động ngoài hiện trường. Để thực hiện thử nghiệm các thiết bị trên ngoài hiện trường, nếu chỉ dùng thiết bị phụ trợ hiện có thì cần phải dùng bàn thử công tơ cơ. Tuy nhiên, giải pháp này khó khả thi, vì bàn thử công tơ cơ rất cồng kềnh, chi phí vận chuyển cao (do phải vận chuyển bằng xe tải cẩu), mất nhiều nhân công để thực hiện thí nghiệm, đồng thời cần phải có nguồn điện 3 pha tại hiện trường. Trường hợp trang bị bổ sung cho hợp bộ thử nghiệm rơle Mentor 12-3V3I một modun áp 3 pha cùng chủng loại, để nâng điện áp đầu ra thì rất tốn kém, do giá của modun áp này rất cao.

Xuất phát từ tình hình trên, anh Huấn cùng cộng sự đã tính toán lắp đặt bộ nâng áp 3 pha 300VA nâng điện áp từ 120/208V lên 220/380V sử dụng cho hợp bộ thử rơle Mentor 12-3V3I, để thử nghiệm các thiết bị trên. Sáng kiến này đã giúp khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phục vụ thử nghiệm các thiết bị đo lường, điều khiển, bảo vệ tại hiện trường, qua đó làm lợi cho công ty 248 triệu đồng.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.