(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhiều ngư dân hành nghề lưới rê trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực vượt khó bằng cách "kiêm" thêm nghề, hoặc chuyển nghề, nhằm tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập.
TIN LIÊN QUAN
Vượt khó
“Gần 2 năm qua, nghề lưới rê gặp khó, nên nhiều chuyến biển bị lỗ tổn. Vì thế, thời gian gần đây, tàu của tôi "kiêm" thêm nghề lưới chụp để thêm thu nhập nhằm “giữ” chân lao động và trang trải nợ nần”, ngư dân N.V.D, ở xã Phổ Quang (Đức Phổ) cho biết.
Ngư dân làm nghề lưới rê cần được hỗ trợ để khai thác hải sản hiệu quả. |
Để đảm bảo hoạt động, ngoài việc sắm thêm ngư lưới cụ, nâng cấp hầm đông lạnh bảo quản sản phẩm, ông D còn đầu tư giàn phơi mực để đáp ứng nhu cầu của thương lái. “Hoạt động cùng lúc hai nghề khá vất vả, nhưng bù lại, cả chủ tàu và lao động đều có thu nhập khá. Với chuyến biển kéo dài 30-35 ngày, tàu thu được chục tấn hải sản các loại, doanh thu đạt 200-250 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động cũng được 5-7 triệu đồng”, ông D cho biết.
Ngư dân D.H, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cũng liên tiếp thua lỗ với nghề lưới rê. Vì thế, sau một thời gian nằm bờ, ông sắm thêm ngư lưới cụ, cải hoán tàu để hành nghề lưới vây. Sau nửa năm kiêm thêm nghề mới, ông H thoát cảnh nợ nần, ổn định sản xuất. “Sắp tới tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu và sắm thêm ngư lưới cụ để hành nghề lưới chụp. Nguồn lợi hải sản suy giảm, nên mình phải đa dạng ngành nghề khai thác, mới đảm bảo thu nhập”, ông H cho biết.
Cần hỗ trợ ngư dân
Toàn tỉnh hiện có 1.286 tàu hành nghề lưới rê, nhiều tàu trong số này (kể cả tàu đóng theo Nghị định 67) gặp rất nhiều khó khăn. Theo ngư dân, ngoài việc nguồn lợi hải sản suy giảm, thì nguyên nhân chính là do lưới rê không phù hợp với tập quán đánh bắt. Điển hình là “tàu 67”. Với việc được trang bị giàn dài 14km, mắt lưới rộng hơn 20cm, các "tàu 67" chỉ đánh bắt các loại cá lớn. Trong khi đó, tàu lưới kéo (tàu giã cào)-thủ phạm “xé nát” giàn lưới rê lại thường xuyên hoạt động ở hầu hết các ngư trường trong nước. Điều này làm cho nhiều ngư dân từ bỏ giàn lưới hiện đại, để chuyển sang các nghề lưới vây, lưới chụp.
Khó khăn lớn nhất đối với các chủ tàu hành nghề lưới rê hiện nay là, việc huy động vốn để cải hoán tàu, đáp ứng hoạt động các nghề mới. Theo ngư dân, chi phí thực hiện việc cải hoán mỗi tàu trên 1 tỷ đồng. “Biển giã khó khăn, đóng được tàu lớn vươn khơi xa đã là nỗ lực rất lớn của gia đình tôi; còn việc cải hoán, sửa đổi thiết kế tàu phù hợp với nghề lưới vây thì... chưa làm nổi”, ông H, cho biết.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, việc các tàu lưới rê đang kiêm nghề, hoặc chuyển nghề lưới vây, lưới chụp hiện nay chỉ là cách làm tạm thời, vì chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Các tàu này được cấp phép hoạt động bằng nghề lưới rê, muốn được kiêm nghề, hoặc chuyển nghề, thì ngư dân phải đề nghị cơ quan kiểm định một số hạng mục tàu. Nếu kết quả kiểm định tàu phù hợp với nghề mới, ngư dân mới được cơ quan chức năng cho bổ sung ngành nghề hoạt động vào giấy phép khai thác hải sản.
Chính vì thế, ngư dân hành nghề lưới rê trên địa bàn tỉnh mong muốn Nhà nước xem xét, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để sắm ngư lưới cụ, đầu tư cải hoán tàu phù hợp với nghề khai thác hải sản mới. Có như vậy, ngư dân mới đảm bảo cuộc sống và nâng cao hiệu quả khai thác, yên tâm vươn khơi bám biển.
Bài, ảnh: MỸ HOA