Hướng đến trồng và khai thác rừng bền vững

03:11, 24/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vì lợi nhuận trước mắt, nên từ trước đến nay, người dân trong tỉnh vẫn giữ thói quen sau khi khai thác keo thì tiến hành đốt cành lá, lớp thực bì để chuẩn bị cho vụ trồng mới. Cách làm này đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu đối với mục tiêu phát triển rừng bền vững.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày này, đi dọc các huyện miền núi, vùng đồng bằng trong tỉnh, chúng ta bắt gặp nhiều đồi núi trống, đất đá lộ thiên trên những ngọn núi cao chót vót, vì người dân đốt cành lá, thực bì sau khi khai thác keo và chuẩn bị bước vào vụ trồng rừng mới. Cách làm này, nếu gặp mưa lớn thì lớp đất mặt trên đồi núi và cả lớp tro vừa đốt thực bị sẽ bị trôi, khiến đất khô cằn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của vụ keo sau.

Đốt cành lá, thực bì sau khi khai thác keo gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
Đốt cành lá, thực bì sau khi khai thác keo gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.


Theo nhiều người dân trồng keo cho biết, muốn keo sinh trưởng tốt và mang lại hiệu quả cao thì các hộ, nhóm hộ trong cùng một khu vực rừng phải trồng và khai thác keo cùng một lúc. Bởi lẽ, nếu trồng lệch về thời gian quá xa, thì sẽ ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và thu hoạch keo sau này. Nếu khai thác cùng một thời gian nhất định, sẽ tận dụng được đường vận chuyển keo, tiết kiệm chi phí và không ảnh hưởng đến diện tích keo của các hộ lân cận.

Theo ước tính của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hằng năm tỉnh ta có khoảng từ 35.000-37.000ha rừng keo được khai thác, con số này có thể thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Việc khai thác keo của người dân kéo dài tất cả các tháng trong năm, nhưng nhiều nhất là rơi vào các tháng cuối năm. Khai thác keo vào mùa nắng nóng, nếu đốt cành lá, thực bì sau khi khai thác sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, còn vào mùa mưa thì gây xói mòn, sạt lở đất...

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: Ngành lâm nghiệp luôn khuyến cáo người dân không nên đốt cành lá, thực bì sau khi khai thác keo, nhưng rất ít người dân thực hiện, ngành lâm nghiệp thì không có chế tài để xử lý việc này. Trên địa bàn tỉnh, chỉ có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ được cấp chứng chỉ FSC mới thực hiện quy trình khai thác rừng theo hướng bền vững, là không đốt cành lá, lớp thực bì sau khi khai thác, nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế lâu dài.

 

Tập huấn về chuỗi hành trình sản phẩm (CoC)


Trong 2 ngày (21-22.11), Liên minh HTX tỉnh tổ chức lớp tập huấn quản lý hành chính nhóm chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC). Tham gia lớp tập huấn có các giám đốc HTX trên địa bàn tỉnh. Tại lớp tập huấn, các học viên được cung cấp các kiến thức về quản lý hành chính trong nhóm chuỗi hành trình sản phẩm từ rừng, nhằm giúp các HTX trong tỉnh hoàn thành hồ sơ về tham gia nhóm. Lợi ích là bảo vệ môi trường, giúp tăng cường mở rộng thị trường gỗ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu… Lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án Hỗ trợ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng, chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm do Tổ chức FFD và AgriCord tài trợ, được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 3.2017.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN


 


.