(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi thành lập đến nay, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi không ngừng phát triển về mọi mặt và đạt được nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chặng đường 16 năm
Được thành lập từ năm 2002, đến nay, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi đã không ngừng phát triển, đưa cảng biển Quảng Ngãi trở, thành một trong những cảng biến đứng đầu cả nước vào năm 2018. Đạt được kết quả này, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi đã luôn chủ động phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam; sự hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND tỉnh, các cấp có thẩm quyền ở địa phương.
Cảng xuất sản phẩm Doosan Vina. |
Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi là đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải tại vùng nước cảng biển Dung Quất, Sa Kỳ, tuyến vận tải thủy từ Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước tại cảng biển, Cảng vụ luôn tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan như Biên phòng, Hải quan, Trung tâm Kiểm soát kiểm dịch y tế để thực thi nhiệm vụ. Mục tiêu là tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp cảng, chủ tàu, chủ hàng, tàu thuyền và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan, đảm bảo cho các hoạt động hàng hải an toàn và hiệu quả.
Hiện tại, phạm vi hoạt động của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi bao gồm vùng nước các cảng biển thuộc địa phận Quảng Ngãi; vùng nước của luồng cảng biển, luồng nhánh cảng biển, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão thuộc các cảng biển; vùng nước trước cầu cảng, bến cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão khác được công bố theo quy định của pháp luật; quản lý tuyến vận tải thuỷ Sa Kỳ - Lý Sơn.
Số lượng, quy mô các cầu, bến cảng, vùng neo Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi đang quản lý khá lớn, gồm: Cảng biển Sa Kỳ tiếp nhận tàu 1.000 DWT; cảng biển Dung Quất (bến số 1) tiếp nhận tàu 70.000 DTW; cảng biển Nhà máy công nghiệp nặng Doosan tiếp nhận tàu 20.000 DTW; bến phao 1 điểm neo (SPM) tiếp nhận tàu 150.000 DWT; cảng xuất sản phẩm Nhà máy Lọc dầu (Jetty) gồm 6 bến tiếp nhận tàu từ 5.000 - 25.000 DWT; khu cảng tổng hợp 1 - Gemadept Dung Quất tiếp nhận tàu 70.000 DWT; cảng Lý Sơn; ụ khô Nhà máy Đóng tàu Dung Quất tiếp nhận tàu 100.000 DWT; bến cảng tổng hợp Hào Hưng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu 70.000 DWT. Ngoài phạm vi vùng nước quy định như trên, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi còn có trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn hàng hải tại vùng biển thuộc địa phận Quảng Ngãi, với chiều dài bờ biển trên 130km.
Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi hiện được xếp hạng cảng vụ hàng hải hạng 2, là hạng cao nhất trong khối các cảng vụ, có tổng số lượt tàu, hàng hóa và số thu phí, lệ phí hàng hải ở mức cao trong khối các cảng vụ hàng hải. Trong 3 năm gần đây (2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018), Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi có những bước tiến mạnh mẽ.
Cụ thể, năm 2016 và 2017, lượng hàng hóa qua các cảng biển đạt hơn 17 triệu tấn/năm và năm 2018 ước sẽ chạm mốc 18,2 triệu tấn. Tuyến vận tải thủy từ Sa Kỳ - Lý Sơn không ngừng tăng cả về lượt tàu và hành khách, năm 2018 ước đạt hơn 25.000 tấn hàng hóa và hơn 470.000 lượt khách. Tổng số phí cảng vụ và phí bảo đảm hàng hải từ 39 tỷ đồng (2016), tăng lên khoảng 40,5 tỷ đồng trong năm 2018.
Nỗ lực đổi mới
Thời gian qua, lượng hàng hóa xuất, nhập qua các cảng biển ở Dung Quất tăng nhanh, nhiều nhất là lượng xăng, dầu; lượng hàng dăm gỗ xuất khẩu và các thiết bị phục vụ cho các dự án, các công trình của tỉnh. Vì thế, các doanh nghiệp khai thác cảng đã đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô cầu cảng, để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vào các bến cảng ở Dung Quất.
Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi là một trong những đơn vị thành lập sau, nên được Cục Hàng hải Việt Nam đặc biệt quan tâm. Quá trình hoạt động của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi luôn thuận lợi và hiệu quả nhờ sự định hướng, hỗ trợ, chỉ đạo từ Cục Hàng hải Việt Nam. Với vai trò “nhạc trưởng” của ngành hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai lập quy hoạch phát triển ngành với những nội dung quan trọng mang tính chiến lược.
Các ngành liên quan phối hợp giải quyết thủ tục cho DN tại Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi. |
Hiện nay, ngành hàng hải đang tiếp tục từng bước hiện đại hóa đội tàu và hoàn chỉnh hệ thống cảng biển, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước; phấn đấu đổi mới toàn diện, quyết liệt hơn, nhằm phát triển kinh tế hàng hải vươn lên vị trí thứ nhất trong năm ngành kinh tế biển; tiếp tục tiến ra biển, làm giàu từ biển, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, hoàn thành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Tuy nhiên, ngành hàng hải cũng đang đứng trước những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đặc biệt từ sau năm 2020, khi kinh tế hàng hải được đưa lên vị trí số một. Đây cũng là cơ hội để tăng tốc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hàng hải, xây dựng lực lượng vận tải hùng hậu đủ sức vươn ra biển lớn. Để đáp ứng tốt yêu cầu trong tình hình mới, thời gian tới, ngành hàng hải tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng hải; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục triển khai quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, nhanh chóng nâng cao năng lực vận tải, dịch vụ hậu cần, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, bảo đảm môi trường biển...
Trên cơ sở quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Quảng Ngãi là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), bao gồm các khu bến chức năng chính: Dung Quất I, Dung Quất II và các bến vệ tinh Sa Kỳ, Lý Sơn. Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 20,9 - 21,9 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 32,9 - 35,6 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng container dự kiến vào năm 2020 đạt khoảng 10.000 - 20.000 TEU/năm; năm 2030 khoảng 50.000 - 60.000 TEU/năm.
Sự phát triển cảng biển tại Quảng Ngãi đòi hỏi phải tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Thực hiện Quyết định 06/2014/QĐ-TTg, ngày 20.1.2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển, trong đó giao Cảng vụ Hàng hải chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi phối hợp, tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong nước cảng biển Quảng Ngãi năm 2018.
Mục đích của diễn tập là để các cơ quan, lực lượng liên quan kiểm tra, đánh giá các quy chế, cơ chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn đã được ban hành; rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong các tình huống khẩn cấp như thông tin liên lạc, cứu người dưới nước, phòng cháy chữa cháy, chống tràn dầu trên biển... Qua đó, rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bổ sung cơ chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn đã được ký kết để đạt được yêu cầu: Chỉ huy thống nhất, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, phát huy triệt để “phương châm 4 tại chỗ”, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi có tai nạn, sự cố xảy ra.
Bài, ảnh: THANH NHỊ