(Báo Quảng Ngãi)- Bên cạnh những thành tựu và cơ hội mới, việc phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhận thức hạn chế
“Với tâm lý biển là “vàng”, nên nhiều năm qua, việc khai thác tài nguyên biển, nhất là hải sản không gắn với công tác phát triển, bảo tồn và tái tạo. Thậm chí, vẫn còn tình trạng người dân khai thác tài nguyên biển theo kiểu tận diệt, nên giá trị kinh tế thấp, kém bền vững”, Vụ phó Vụ Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản Phạm Ngọc Huấn khẳng định.
Ông Huấn cho rằng, nguyên nhân chính là do vấn đề nhận thức. Hiện tại, không chỉ người dân, mà chính quyền một số địa phương cũng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển. Từ đó có suy nghĩ tài nguyên biển là bao la, vô tận, nên khai thác theo kiểu mạnh ai nấy làm, không tuân thủ theo quy định.
Các ngư dân hiện vẫn đang đánh bắt trong phạm vi khu bảo tồn biển Lý Sơn vì không biết phải chuyển đổi sang nghề gì để sinh sống. Ảnh: TL |
Ngoài ra, phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn theo hình thức sản xuất cũ, đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Khai thác tài nguyên biển hiện nay chỉ tập trung đến sản lượng và số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.
Hậu quả nhãn tiền là nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, nước biển dâng gây sạt lở và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân khu vực ven biển. Đơn cử như ở các thôn An Cường, Thanh Thủy, Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), những năm qua, hàng trăm hộ dân sống dọc bờ biển luôn nơm nớp âu lo vì biển ngày càng lấn sâu vào đất liền. Hơn nữa, nguồn lợi thủy sản suy giảm cũng khiến ngư dân khai thác hải sản gần bờ ở xã Bình Hải rơi vào cảnh khó khăn.
Cơ sở hạ tầng yếu kém
“Cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển còn yếu kém, manh mún. Thiết bị chưa đầy đủ, nên hiệu quả sử dụng thấp”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn nhìn nhận. Toàn tỉnh chỉ có 4 đập ngăn mặn, giữ ngọt là An Quang (Đức Phổ), Đức Lợi (Mộ Đức), Hiền Lương (Tư Nghĩa) và Khê Hòa (TP.Quảng Ngãi), nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu.
Thậm chí, việc vận hành đập Khê Hòa và Hiền Lương còn kết hợp biện pháp thủ công, đó là phải bó rạ, rồi lèn thật chặt dưới đáy đập để ngăn nước mặn, do thiết bị cơ khí của đập hư hỏng. Nếu không “chèn rạ” thì nước biển rò rỉ và xâm nhập, kéo theo hàng nghìn hécta đất sản xuất nông nghiệp, cùng nguồn nước sinh hoạt của người dân hai xã Tịnh Hòa, Tịnh Khê bị nhiễm mặn.
Nguồn lợi hải sản gần bờ suy giảm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân các xã bãi ngang ven biển. |
Trong khi đó, các cảng cá thì quy hoạch thiếu đồng bộ, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng tương xứng; hệ thống bến bãi xuất hiện theo tự nhiên, ngư dân làm ăn còn nhỏ lẻ... dẫn đến những hạn chế trong việc đẩy mạnh phát triển nghề biển.
Một vấn đề nữa là, công tác quy hoạch tổng thể về khai thác biển vẫn chưa thống nhất, dẫn đến sự chồng chéo trong việc quản lý. Ngoài ra, các khu kinh tế ven biển đang phát triển tràn lan, thiếu “đầu tàu” và thiếu sự “lan tỏa”. Hệ thống cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai biển; các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực yếu kém; các phương thức quản lý biển còn lỏng lẻo, rời rạc...
Để phát triển mạnh mẽ kinh tế biển nói chung, lĩnh vực thủy sản nói riêng, cần thiết phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo nhu cầu khai thác và chế biến. Chú trọng việc xây dựng và hình thành các “đô thị nghề cá”, nhằm thu hút một lượng lớn tàu thuyền trong và ngoài tỉnh đến mua bán, trao đổi hàng hóa, sử dụng các dịch vụ hậu cần. Từ đó sẽ thúc đẩy lĩnh vực chế biến, thu hút và tạo nhiều việc làm cho lao động của các địa phương. Đặc biệt là phải đảm bảo an toàn và lợi ích bền vững của việc khai thác tài nguyên biển.
Bài, ảnh: MỸ HOA