Phát triển hệ thống cảng biển Dung Quất: Cần có tầm nhìn chiến lược

05:09, 30/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hệ thống cảng biển Dung Quất hiện đang đứng thứ 5 cả nước về lượng hàng hóa qua cảng. Tuy nhiên, do chưa có bến cảng container, năng lực các cụm cảng còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước còn một số bất cập, nên các doanh nghiệp (DN), chủ tàu gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa xuất, nhập qua cảng...

TIN LIÊN QUAN

Chưa phát huy được thế mạnh

Hệ thống cảng biển Dung Quất có vị trí thuận lợi và hội tụ nhiều điều kiện để phát triển. Hiện nay, KKT Dung Quất đã có 8 bến cảng; gồm 7 bến đã đi vào hoạt động, trong đó có 3 bến cảng tổng hợp (Hào Hưng, PTSC và Gemadept); 3 bến cảng chuyên dùng (Doosan và 2 cảng NMLD Dung Quất); 1 bến cảng của Nhà máy đóng tàu Dung Quất và đang xây dựng 1 bến cảng chuyên dùng của Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất. Các cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000 – 70.000 DWT. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng hằng năm đạt 18 - 20 triệu tấn.

 

Khu bến cảng tổng hợp Hào Hưng tại KKT Dung Quất.
Khu bến cảng tổng hợp Hào Hưng tại KKT Dung Quất.


Một trong những bất cập tại hệ thống cảng biển Dung Quất hiện nay là chưa khai thác có hiệu quả các lợi thế. Hàng hóa qua cảng (không tính sản phẩm của NMLD Dung Quất) chủ yếu là dăm gỗ và nguyên liệu thô, có thời gian chiếm cầu tàu, bốc xếp lâu, nhưng giá trị kinh tế mang lại thấp. Các sản phẩm khác như tinh bột sắn, xi măng thì ra cảng Đà Nẵng để xuất hàng.

Đến tháng 8.2018, trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 27 DN tham gia xuất – nhập khẩu hàng hóa bằng container, với khoảng 8.530 container/năm. Tuy nhiên, do hệ thống cảng biển ở Dung Quất chưa có bến cảng container, nên các DN trên phải vận chuyển ra Đà Nẵng hoặc cảng biển của Trường Hải – Chu Lai, Quy Nhơn – Bình Định...

Riêng tại bến cảng tổng hợp Hào Hưng, nhà đầu tư đã xây dựng Nhà máy chế biến dăm gỗ trong khu vực cảng. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã yêu cầu các sở, ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm các DN đầu tư, kinh doanh bến cảng tại Dung Quất nâng giá ép khách hàng; cương quyết di dời Nhà máy chế biến dăm gỗ ra khỏi bến cảng tổng hợp Hào Hưng.

Chất lượng dịch vụ tại cảng Dung Quất hiện nay còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng chưa có sự thống nhất. Công tác kiểm tra của các ngành chức năng đối với chủ tàu, thuyền viên chưa được thân thiện. Các loại phí dịch vụ có liên quan như giá bốc xếp hàng hóa, dịch vụ hoa tiêu, lai dắt tàu cao hơn các tỉnh, thành. Dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí cho thủy thủ... trên địa bàn KKT Dung Quất còn nhiều hạn chế.

“Phải xây dựng cảng biển Dung Quất thực sự trở thành một lợi thế lớn trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư và là động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là một lợi thế mà không phải tỉnh nào cũng có được. Chúng ta phải làm sao để ngày càng nhiều tàu đến tiếp nhận hàng hóa; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, DN, nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư vào tỉnh”.


Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh LÊ VIẾT CHỮ

 

Tránh “phân lô" cảng biển

Ngoài 8 bến cảng đã và đang đầu tư, khai thác vận hành, tại cụm cảng biển Dung Quất còn có 3 bến cảng số 6, 7, 8, với 750m mặt tiền bờ biển còn trống, diện tích bến cảng 44,3ha, hiện có 3 nhà đầu tư "nhắm vào" là các Công ty PTSC Quảng Ngãi, Hào Hưng Quảng Ngãi và Hòa Phát Dung Quất.

Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh (BQL) Nguyễn Minh Tài cho biết, trước nhu cầu xuất- nhập hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng mạnh, thì việc đầu tư xây dựng bến cảng container quy mô lớn tại Dung Quất là cần thiết.

Rút kinh nghiệm trong việc đầu tư, vận hành bến cảng ở các nước trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc... BQL xét thấy việc giao cho một nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự đứng ra đầu tư, xây dựng và vận hành bến cảng container quy mô lớn là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Điều này đảm bảo cho việc đầu tư hạ tầng liên hoàn, tận dụng điều kiện cơ sở hạ tầng – thiết bị, tiết kiệm kinh phí đầu tư, đảm bảo điều kiện xuất – nhập hàng hóa thuận lợi và rút ngắn thời gian làm hàng... “Nếu chúng ta tiếp tục “phân lô” cảng biển tại Dung Quất như thời gian qua là làm triệt tiêu lợi thế của cảng biển Dung Quất”, ông Nguyễn Minh Tài nhấn mạnh.

Mặt khác, trước khi UBND tỉnh quyết định giao DN đầu tư, kinh doanh bến cảng container thì cần gắn với việc đầu tư khu hậu cần cảng nằm giữa tuyến đường Road 1 và Quốc lộ 24C, xem đây là điều kiện tiên quyết để xem xét, lựa chọn nhà đầu tư bến cảng container.


Bài, ảnh: PHẠM DANH



 


.