Phát triển dịch vụ logistics: Cần phát huy lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất

02:08, 12/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển tốt dịch vụ logistics sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, thu hút nhà đầu tư và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Ở Quảng Ngãi, một lợi thế quan trọng để phát triển dịch vụ logistics chính là cảng nước sâu Dung Quất.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả bước đầu

Từ năm 2010 đến nay, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng biển nước sâu ở KKT Dung Quất khá sôi động, với sản lượng khoảng 15 triệu tấn sản phẩm/năm. Hiện tại, ở KKT Dung Quất có hai bến cảng thương mại tổng hợp thuộc hai đơn vị là Công ty PTSC Quảng Ngãi và Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất. Ngoài ra, còn có 5 cảng chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí (NMLD Dung Quất), công nghiệp nặng (Doosan Vina), đóng tàu (Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất)... để đáp ứng nhu cầu xuất – nhập hàng hóa.
 
Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất.
Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất.

Ông Phan Quang Đoan - Trưởng phòng Hành chính, Công ty cổ phần Cảng quốc tế Gemadept Dung Quất cho biết, Cảng Gemadept hiện đáp ứng tàu có tải trọng đến 70.000 tấn, thuộc diện lớn nhất khu vực miền Trung. Sản lượng hàng hóa xuất – nhập qua cảng tăng dần hằng năm, nhất là dăm gỗ. Năm 2015, hàng hóa qua cảng đạt sản lượng 1,5 triệu tấn, riêng 6 tháng đầu năm khoảng 800 nghìn tấn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chi phí đầu tư, vận hành cảng khá lớn, nhất là đã đầu tư hai cẩu trục lớn và hai băng chuyền phục vụ xuất khẩu gỗ, nhưng nguồn thu về chưa đạt như mong muốn, do lượng hàng hóa qua cảng còn ít, chưa đa dạng...

“Mong muốn của chúng tôi là, Quảng Ngãi thu hút đầu tư, phát triển mạnh các ngành sản xuất và khối lượng hàng hóa tăng lên và ngày càng đa dạng hơn, đủ để chúng tôi mở tuyến tàu container phục vụ vận chuyển hàng hóa”, ông Đoan nói.

Theo quy hoạch KKT Dung Quất mở rộng thì Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư cảng biển Dung Quất 2, với quy mô gấp đôi cảng Dung Quất 1 hiện tại. Đây là đòn bẩy quan trọng để Quảng Ngãi tiếp tục thu hút đầu tư và khai thác những tiềm năng, lợi thế mà các tỉnh khác trong khu vực miền Trung không có.

Cần phát huy thế mạnh

Hệ thống cảng biển nước sâu ở Dung Quất có những ưu thế vượt bậc so với các cảng biển ở khu vực miền Trung như cảng Đà Nẵng, Kỳ Hà (Quảng Nam) hay cảng Quy Nhơn... Những cảng này chỉ đáp ứng tàu có tải trọng 3 - 5 vạn tấn trở xuống, thì cảng Dung Quất đáp ứng tàu có tải trọng lên đến 7 vạn tấn.

Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa khai thác tốt lợi thế này để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, nhất là đáp ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, bằng tàu tải trọng lớn – xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Ông Lê Văn Dũng – Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất cho rằng, bàn đến phát triển logistics hiện nay giống như chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Với doanh nghiệp thì muốn thị trường, hàng hóa có trước thì mới đến đầu tư phát triển dịch vụ logistics, vì sợ bị thua lỗ. Còn với các nhà đầu tư sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm thì mong muốn có đầy đủ hạ tầng, các tiện ích, dịch vụ logistics thì mới mạnh dạn đến đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, làm ra sản phẩm hàng hóa. “Nút thắt” này lâu nay vẫn trong vòng luẩn quẩn chưa gỡ được.

“Vấn đề đặt ra hiện nay trong phát triển logistics là chúng ta phải đi từng bước, đầu tiên là phải thu hút doanh nghiệp đầu tàu, tạo dự án động lực, có lượng container tương đối lớn để tạo thị trường tại chỗ. Chẳng hạn, đối với dịch vụ vận tải container là phải đầu tư cảng Dung Quất thành cảng vận tải container và hình thành các dự án vận chuyển lớn bằng container.

Việc đầu tư này trong giai đoạn đầu chắc chắn sẽ thua lỗ, nên nhà đầu tư ngại vào. Do đó chúng ta phải tính đến việc hỗ trợ từ phía Nhà nước cho doanh nghiệp đầu tư cảng container, là hệ thống quan trọng nhất trong logistic. Giống như Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ cho sân bay Chu Lai, cũng như các hãng bay ở đây, đến khi họ hình thành, phát triển và có lãi thì sẽ không hỗ trợ nữa”, ông Lê Văn Dũng nói.

Cùng với hệ thống hạ tầng KKT Dung Quất đã và đang được đầu tư tương đối tốt, hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất là một lợi thế của Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra hiện nay là chúng ta cần tiến hành đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảng biển, phát triển hệ thống logistics để nâng cao chất lượng khai thác, vận hành cảng biển nước sâu. Đồng thời thu hút các dự án công nghiệp nhẹ quy mô lớn, sản xuất nhiều hàng hóa để phát huy logistics, cũng như vận tải đường biển ở Dung Quất.

Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.