(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, giá keo nguyên liệu, loại cây kinh tế chủ lực ở các huyện miền núi trong tỉnh ngày càng xuống thấp, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Do đó, để đa dạng sản phẩm cây trồng, giúp người dân cải thiện cuộc sống, các địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ cây giống để người dân phát triển những loại cây bản địa, như ớt xiêm, gừng gió, tiêu rừng, sâm cau...
Năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông thôn mới, huyện Tây Trà đã bố trí 300 triệu đồng để trồng khoảng 3,5ha ớt xiêm tại thôn Trà Kem, xã Trà Xinh. Lần đầu tiên giống ớt xiêm bản địa được triển khai trồng đại trà theo hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN). Sản phẩm là ớt sạch và sẽ được bao tiêu đầu ra.
Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng, vì ớt xiêm Tây Trà là đặc sản nổi tiếng, được thị trường rất ưa chuộng. Tuy nhiên, do việc quảng bá cũng như chưa liên kết được các kênh phân phối, xây dựng thương hiệu, nên người dân phải mang ra đường bán, hoặc bán cho thương lái với giá thấp.
Người dân huyện Tây Trà được hỗ trợ phát triển các loại cây trồng bản địa, trong đó có cây ớt xiêm. |
Trưởng Phòng NN & PTNT huyện Tây Trà Huỳnh Thị Thanh Thúy cho biết: Thời gian qua, huyện luôn chú trọng giúp nông dân đẩy mạnh phát triển các loại cây bản địa, như gừng gió, ớt sim, sâm cau... Những loại cây này cung không đủ cầu, có giá bán cao so với những sản phẩm cùng loại được trồng ở các huyện đồng bằng, hoặc ngoài tỉnh. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, xa xôi, nên bài toán trồng cây gì cho có hiệu quả kinh tế là chuyện không hề dễ. Vì vậy, ngoài việc tìm những giống cây, con mới, huyện cũng chuyển hướng sang phát triển những loại cây truyền thống, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.
“Gừng gió ở Tây Trà có giá bán 100.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với gừng trồng dưới xuôi. Nếu được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về đầu ra, cũng như xây dựng thương hiệu... thì loại cây này sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao huyện Tây Trà”.
|
Ngoài liên kết với DN để góp phần tìm đầu ra ổn định và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, huyện Tây Trà cũng đang chú trọng phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ trong việc nâng cao giá trị cho các loại cây bản địa. Mới đây, Sở KH&CN đã khảo sát, tìm hiểu về loại cây gừng gió ở Tây Trà và đang phối hợp với một DN ở Quảng Nam tiến hành nghiên cứu, cũng như tìm hướng phát triển đại trà cây gừng gió.
Tại huyện miền núi Ba Tơ, các loại cây bản địa, như tiêu Ba Lế, mây... cũng được huyện khuyến khích phát triển. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Thương, trong những năm qua, huyện luôn làm cầu nối, tổ chức trưng bày nhiều sản phẩm của người dân, nhằm giới thiệu các sản phẩm truyền thống đặc trưng của huyện. Qua đó, tạo điều kiện kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Mới đây, theo đề nghị của Sở Công thương trong việc kết nối sản phẩm an toàn vào các hệ thống siêu thị lớn, huyện cũng đã đề xuất nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương vào danh mục kết nối. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là diện tích đất sản xuất nông nghiệp manh mún, khó mở rộng quy mô sản xuất, dẫn đến khó liên kết với DN để sản xuất đại trà.
Bài, ảnh: ĐÔNG GIANG