Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Cần có đặc thù cho miền núi

02:05, 16/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cũng như xây dựng nông thôn mới, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc thực hiện một số tiêu chí như dồn điền đổi thửa là không thể thực hiện, nên rất cần có cơ chế đặc thù.

TIN LIÊN QUAN

Khó với tiêu chí dồn điền đổi thửa

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Trà Phú (Trà Bồng) đã tổ chức sắp xếp, định hướng lại phương thức sản xuất cho người dân. Thông qua việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, người dân được hỗ trợ một số máy móc, dụng cụ, kỹ thuật giống cây trồng, vật nuôi... góp phần thay đổi nhận thức và phương thức sản xuất của người dân.

Diện tích đất sản xuất lúa nước ở xã Trà Phú (Trà Bồng) manh mún nên khó thực hiện dồn điền đổi thửa.
Diện tích đất sản xuất lúa nước ở xã Trà Phú (Trà Bồng) manh mún nên khó thực hiện dồn điền đổi thửa.


Tuy nhiên, khi thực hiện một số nội dung trong tái cơ cấu nông nghiệp thì địa phương vùng cao này đã gặp nhiều vấn đề bất cập, nhất là dồn điền đổi thửa. Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phú Nguyễn Hữu Tuyển cho biết: “Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân rất manh mún, địa hình đi lại khó khăn. Bình quân mỗi hộ chỉ có 400 – 500m2, trong khi theo quy định, thực hiện dồn điền đổi thửa, diện tích phải đảm bảo ít nhất 1.000m2”.

Trước khó khăn đó, xã Trà Phú đã nhiều lần báo cáo lên huyện để xin ý kiến của tỉnh cho địa phương dừng công tác dồn điền đổi thửa. Trong khi chờ sự điều chỉnh, xã Trà Phú đã tập trung quy hoạch, hướng dẫn người dân đầu tư phát triển các mô hình kinh tế nông – lâm kết hợp. Vùng nào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, trồng rau màu, cây ăn quả đều được tính toán cụ thể. Địa phương cũng hỗ trợ cây, con giống mới, hướng dẫn kỹ thuật và chuyển đổi một số cây trồng không hiệu quả, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.

Cần cơ chế đặc thù

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi đã có sự chuyển biến tích cực cả về năng suất, sản lượng và chất lượng. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất theo quy hoạch, trong đó  có vùng chuyên canh cây quế.

Tuy nhiên, do trình độ sản xuất của người dân ở miền núi còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nên hiệu quả trong sản xuất chưa cao. Trong khi đó, đất sản xuất phân tán, ruộng bậc thang nhỏ lẻ, nên việc tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất tập trung, áp dụng cơ giới hoá trong trồng trọt là rất khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh cho rằng, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở miền núi phải bắt đầu từ những việc cụ thể, không thể làm theo kiểu phong trào. Với miền núi thì cần có cơ chế mang tính đặc thù. Năm 2018, Trà Bồng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, được thị trường tiêu thụ ổn định. Thực hiện hiệu quả Chương trình 135, giai đoạn 2016 - 2020, kết hợp với xây dựng nông thôn mới và tranh thủ các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.


Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.