(Báo Quảng Ngãi)- Kinh phí bố trí chậm, chính sách hỗ trợ chồng chéo, nên ngành chuyên môn và chính quyền địa phương lúng túng trong quá trình thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng (BVR).
TIN LIÊN QUAN
Bất cập chính trong việc thực thi các chính sách giao khoán BVR là sự chênh lệch khá lớn về đơn giá. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: “Đơn giá giao khoán BVR hiện nay chưa có sự đồng nhất. Trên cùng một khu vực thôn, xã, nhưng thực hiện chính sách khác nhau, khiến người dân so đo quyền lợi”.
Diện tích rừng lớn, nhưng lực lượng quản lý quá mỏng là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý bảo vệ rừng chưa đạt hiệu quả cao. |
Mặt khác, việc giao khoán BVR hiện nay cũng chưa thực hiện đúng đối tượng. Theo Nghị định 168 của Chính phủ, việc giao rừng phải thực hiện đến từng hộ gia đình. Tuy nhiên, vì không có kinh phí để lập hồ sơ, giao nhận thực địa, nên các địa phương và Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ chỉ giao khoán theo nhóm hộ. Vì vậy, việc phân định quyền lợi và trách nhiệm còn nhập nhằng, hiệu quả công tác BVR chưa cao...
Chương trình bảo vệ phát triển rừng bền vững khoán 200 nghìn đồng/ha/năm, Nghị định 99/CP là 180 nghìn đồng/ha/năm; Nghị định 75/CP và Chương trình 30a lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mức 400 nghìn đồng/ha/năm. |
Ngoài ra, cơ cấu lực lượng giữ rừng hiện nay cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo quy định, mỗi cán bộ kiểm lâm địa bàn quản lý tối đa 500ha rừng, nhưng thực tế có người phải đảm nhận hàng chục nghìn hecta. Sự bất hợp lý trên là do cơ quan chủ quản bố trí cán bộ kiểm lâm địa bàn theo đơn vị hành chính cấp xã, không theo diện tích rừng. Do đó, nhiều trường hợp, cán bộ kiểm lâm không phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng, đốt rừng.
Trước những bất cập đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí kịp thời, thống nhất đơn giá chi trả giữa các chính sách giao khoán rừng; thời gian chi trả kinh phí BVR cho người dân nên thực hiện theo quý. Với diện tích rừng sản xuất thực hiện giao khoán theo Nghị định 99 có đơn giá thấp hơn Nghị định 75 thì cũng cần có sự thống nhất.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm cũng đang tập trung rà soát để phân định ranh giới giữa các loại rừng, nhằm hạn chế tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Năm 2017, Chi cục Kiểm lâm đã trồng các loại cây lim xanh, sao đen, muồng đen... để làm đường băng ranh giới và đạt hiệu quả tích cực. “Đến năm 2020, Chi cục Kiểm lâm sẽ trồng 70-77km đường băng cây xanh ở các khu vực có nguy cơ bị xâm lấn. Phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan sắp xếp, đổi mới phương thức giao khoán từ nhóm hộ sang hộ gia đình, thành lập các tổ BVR cộng đồng, nhằm nâng cao hiệu quả BRV”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết.
Bài, ảnh: MỸ HOA