Bảo vệ rừng: Thành quả và hạn chế

08:01, 06/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quản lý, bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành kiểm lâm. Trong năm 2017, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành, địa phương, công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt kết quả, nhưng vẫn còn một số mặt hạn chế.

TIN LIÊN QUAN


Giảm số vụ vi phạm

Năm 2017, lực lượng kiểm lâm Quảng Ngãi đã tổ chức 774 đợt truy quét, 1.041 đợt kiểm tra và 4.853 đợt tuần tra bảo vệ rừng. Qua đó, phát hiện 337 vụ vi phạm (giảm 49 vụ so với 2016), đã xử lý 256 vụ, tịch thu hơn 362m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 2,761 tỷ đồng.

Lực lương Kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng trên địa bàn miền núi.
Lực lương Kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng trên địa bàn miền núi.


Tình trạng phá rừng trong năm có xu hướng giảm. Hiện trên địa bàn tỉnh không có điểm nóng về phá rừng và khai thác lâm sản. Tuy nhiên, ở một số nơi có rừng tự nhiên, nhất là vùng giáp ranh giữa các huyện miền núi như Tây Trà, Sơn Hà, Trà Bồng vẫn còn nguy cơ phá rừng nhỏ lẻ. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 22 vụ phá rừng, tuy có giảm 37 vụ so với năm 2016, nhưng vẫn gây thiệt hại hơn 22ha rừng.

  Các tổ đội bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được duy trì, củng cố và phát triển. Chính quyền các cấp và chủ rừng, đã xây dựng 175 phương án bảo vệ rừng và PCCCR với 170 Ban chỉ đạo, chỉ huy và 972 tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR với 11.712 người tham gia.

 Thời gian qua, các lực lượng này đã có nhiều cố gắng, chủ động thực hiện các biện pháp PCCCR, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài, nên xảy ra 2 vụ cháy, thiệt hại hơn 2ha rừng trồng, giảm 9 vụ so với năm 2016, diện tích rừng bị thiệt hại giảm gần 13ha.

Năng lực điều tra còn hạn chế

Thời gian qua, tình hình tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Thậm chí đã xảy ra 2 vụ chống người thi hành công vụ, gây nguy hiểm cho lực lượng kiểm lâm. Số vụ vi phạm vào tội hủy hoại rừng phải chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố hình sự cũng đã tăng lên tới 9 vụ (tăng 3 vụ so với năm 2016).

Các vụ phá rừng thường xảy ra tại nơi có địa hình phức tạp ở vùng sâu, vùng xa. Đối tượng vi phạm là người địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc điều tra, xác minh gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức kiểm lâm thực hiện công tác này còn hạn chế, nên việc điều tra, xác minh đôi lúc không đạt kết quả. Thậm chí có vụ đã khởi tố, nhưng cơ quan cảnh sát điều tra kết luận không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, phải chuyển qua xử lý hành chính.

  Do vậy, để đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện thẩm quyền của kiểm lâm theo luật định, cần phải tăng cường lực lượng và tích cực đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm lâm, nhất là trong công tác điều tra hình sự, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
 

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM

 


.