Lý Sơn: Kinh tế biển đang gặp khó

03:07, 18/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lý Sơn xác định, phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2016-2020. Qua hai năm thực hiện, bước đầu đã đạt một số kết quả nhất định. Song hiện tại việc phát triển kinh tế biển của huyện cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN


Sản lượng khai thác giảm

Theo thống kê của huyện Lý Sơn, năm 2016, ngư dân khai thác được hơn 37.800 tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, năm 2017, sản lượng khai thác lại giảm 1.687 tấn so với năm 2016. Còn 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác chỉ được 14.000 tấn hải sản các loại.

 Nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn gặp nhiều khó khăn do thiên tai gây ra.
Nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn gặp nhiều khó khăn do thiên tai gây ra.


Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, sản lượng khai thác giảm có 3 nguyên nhân chính là, do thiên tai bất lợi, nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt và tàu cá của ngư dân liên tục bị tàu nước ngoài quấy nhiễu, tấn công.

“Dù nguồn khai thác có giảm, song năm 2018, huyện vẫn đặt mục tiêu khai thác đạt khoảng 40.000 tấn, doanh thu khoảng 850 tỷ đồng. Kinh tế biển là một trong những ngành kinh tế chủ lực của địa phương, do đó huyện sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ để ngư dân đánh bắt hiệu quả hơn”, bà Hương cho hay.

Dù vậy, bà Hương cũng khá trăn trở khi cho rằng, muốn khai thác được 40.000 tấn hải sản như kế hoạch đề ra, thì gần như đội tàu 528 chiếc, với tổng công suất hơn 68.000CV phải hoạt động hết công suất và cùng với đó là thời tiết phải thuận lợi. Thế nhưng, kết quả khai thác trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 45% kế hoạch năm, trong khi 6 tháng còn lại thì thời tiết rất bất lợi, nên kế hoạch đề ra khó về đích.

Sẽ đánh giá lại chiến lược phát triển kinh tế biển

Để đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản đạt kết quả đề ra, ngay từ đầu năm 2018, huyện Lý Sơn đã đẩy mạnh công tác vận động ngư dân bám biển, tham gia các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, phát triển các dịch vụ hậu cần, đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, nguồn khai thác ngày càng giảm, cùng với nhiều vấn đề liên quan khác đã khiến địa phương lo lắng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, khai thác thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đánh bắt xa bờ thì gặp đủ khó khăn, từ thiên tai đến nhân tai, còn đánh bắt gần bờ thì nguồn thủy sản hiện đang dần cạn kiệt. Khi triển khai quy hoạch khu bảo tồn biển khiến gần 1.000 ngư dân gặp khó khăn. Huyện đang rà soát lại các hộ dân để nghe người dân mong muốn chuyển đổi ngành nghề như thế nào, bởi khai thác gần bờ cho thu nhập rất lớn và là nguồn cung chính về thủy sản cho đảo Lý Sơn phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nuôi trồng cũng rơi vào tình trạng khó khăn khi đợt mưa lũ cuối năm 2017 gây thiệt hại cho các chủ lồng bè lên đến 25 tỷ đồng. Để đảm bảo an toàn về tài sản cho ngư dân, mới đây huyện Lý Sơn đã khuyến cáo người dân nên thả nuôi thủy sản vào những tháng có thời tiết phù hợp, từ tháng 2 - 9 âm lịch và nuôi những loại có thời gian sinh trưởng ngắn, để tránh thiệt hại do thiên tai gây ra.

“Thời gian tới, chắc chắn sản lượng khai thác thủy sản sẽ tiếp tục giảm, nên mục tiêu của ngành kinh tế mũi nhọn sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, huyện đang nghiên cứu xác định lại số lượng ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ và gần bờ, để đánh giá lại chiến lược kinh tế biển, từ đó đề xuất cụ thể với ngành chức năng về mục tiêu phát triển”, bà Hương nói.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.