Quỹ Tín dụng nhân dân: Gặp nhiều khó khăn trong hoạt động

07:06, 25/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn góp của thành viên và cho vay sản xuất, kinh doanh... Ðặc biệt, sau khi thực hiện Thông tư 04/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì hoạt động của QTDND càng thêm khó.

TIN LIÊN QUAN

Phát sinh nhiều bất cập

Hoạt động của QTDND đã góp phần tạo điều kiện cho hộ gia đình và các thành viên của quỹ chủ động được nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần giảm tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay các QTDND đang gặp rất nhiều khó khăn, do phần lớn đều có quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu ở địa bàn nông thôn, năng lực quản lý, điều hành, kiểm soát và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Nguồn vốn hoạt động của quỹ chủ yếu là huy động vốn góp được bao nhiêu thì cho vay bấy nhiêu.

Giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi).
Giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi).


Bên cạnh đó, sau hơn 3 năm thực hiện Thông tư 04 của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động QTDND đã bộc lộ nhiều bất cập. Với quy định mức vốn góp xác định tư cách thành viên là 300.000 đồng/người, phí duy trì tư cách thành viên tối thiểu 100.000 đồng/người/năm, khiến nhiều thành viên không mấy “mặn mà”, nên xin rút khỏi quỹ; việc huy động vốn góp của các thành viên trong quỹ cũng gặp nhiều khó khăn...

Giám đốc QTDND Đức Phong (Mộ Đức) Nguyễn Văn Nghĩa cho rằng: “Hiện có những ràng buộc gây khó cho hoạt động của QTDND, như tiền gửi thành viên phải đạt 60%, nhưng những người gửi tiền lại không tham gia thành viên. Ngoài ra, theo quy định của điều lệ QTDND, người dân muốn trở thành thành viên quỹ để sử dụng dịch vụ thì phải góp vốn, phải đóng thuế thu nhập cá nhân 5% trên lợi tức vốn góp, trong khi lợi tức của họ không bao nhiêu, nên rất khó để vận động nhân dân tham gia QTDND”.
 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Quảng Ngãi, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 13 QTDND, với khoảng 18.477 thành viên, tăng trên 4.800 thành viên. Tổng nguồn vốn hoạt động 438 tỷ đồng, tăng 380 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay 322 tỷ đồng, tăng 277 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,2%.

Cần được tháo gỡ

Thực tế hoạt động của QTDND còn nhiều hạn chế, chưa có chế tài đủ mạnh để bắt buộc người vay trả nợ. Việc cung ứng vốn tín dụng cho các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, dư nợ bình quân chỉ đạt gần 6,8 tỷ đồng/năm. Đến cuối năm 2017, chỉ có 7 HTX được vay vốn của QTDND, với tổng dư nợ gần 10,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất thấp.

Để tháo gỡ khó khăn trên, đại diện nhiều QTDND cho rằng, cần sửa đổi một số điều chưa hợp lý trong Thông tư 04, như bỏ vốn góp thường niên hằng năm, vì làm xáo trộn vốn điều lệ, thành viên ra - vào quỹ tín dụng. Đồng thời, bỏ quy định về tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên để QTDND thực hiện huy động vốn được thuận lợi như các tổ chức tín dụng khác; giảm số lượng thành viên tham gia đại hội để giảm chi phí và phù hợp với hoạt động...

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành một số thông tư hướng dẫn cụ thể nội dung của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật HTX chặt chẽ hơn, nhằm bảo đảm tính an toàn hệ thống. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và QTDND cần điều chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính theo hướng tăng vốn điều lệ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả tăng trưởng nguồn vốn tín dụng, xử lý nợ xấu. Đồng thời cần xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm minh bạch, công khai trong quản trị, điều hành.


Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


 
 


.