(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 70% dân số Quảng Ngãi sống bằng nghề nông. Sản xuất nông nghiệp từ mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, nay đã chuyển sang “nhà nông làm giàu”. Vì thế, xác định cơ cấu cây trồng theo mục tiêu “cùng nhà nông làm giàu” có cần thay đổi?
Nông dân chọn lợi nhuận
Hơn 10 năm qua, cây dưa hấu và cây ớt đã được nông dân Quảng Ngãi chọn trồng và ồ ạt tăng diện tích qua từng mùa vụ. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có 1.400ha dưa hấu và 1.200ha ớt. Thế nhưng, trong định hướng sản xuất cho nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh và một số huyện, thành phố không đưa hai loại cây này vào “cơ cấu giống cây trồng” của địa phương. Lý do là bởi, không ít mùa vụ, cả dưa và ớt đều lâm vào cảnh "được mùa mất giá", thậm chí có năm sản phẩm làm ra không biết bán cho ai.
Dưa hấu trưng bày tại "Hội nghị kết nối tiêu thụ dưa hấu và nông sản thế mạnh của Quảng Ngãi" vào tháng 4.2018. |
Hiện tại, giá dưa hấu và giá ớt đang “rớt” xuống đáy, nhưng những người trồng hai loại cây này vẫn chưa thôi ý định sẽ tiếp tục trồng vào vụ tới. Nông dân Võ Thế Đạt, ở xã Bình Dương (Bình Sơn) vào thuê đất trồng dưa ở TP.Quảng Ngãi, cho biết: “Trồng dưa có thất bại cũng không thể bỏ nó. Cây dưa khi được, khi mất, nhưng tóm lại là có thu nhập. Thời điểm giá cao, lãi lớn bù qua lúc giá xuống thấp. Cây dưa lại không kén đất như cây lúa, trồng bãi nào ven sông cũng được”. Ông Đạt trồng dưa đã 5 năm, dù giá dưa bấp bênh, nhưng tính chung lại ông vẫn có lãi. Ông Đạt nhẩm tính: “Tính chung mỗi năm gia đình thu lãi từ 50 - 70 triệu đồng từ trồng dưa. Với nhà nông, vậy là được quá rồi”.
“Khi đưa cây dưa hấu và một số nông sản thế mạnh vào cơ cấu cây trồng, sản xuất với diện tích lớn, ngành nông nghiệp phải tính toán khoa học, đặc biệt là phải tính đến né tránh thời vụ đại trà tại thị trường nơi xuất bán. Khi Trung Quốc vào vụ thu hoạch dưa hấu, họ sẽ không mua dưa của Việt Nam, dẫn đến ứ đọng. Quy trình sản xuất phải an toàn, rồi nghiên cứu “cấp giấy khai sinh” cho nông sản, để xây dựng niềm tin tiêu dùng”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH |
Riêng với cây ớt, chu kỳ cho thu hoạch kéo dài đến 6 tháng. Thường thì đầu vụ giá cao, có khi đến 30.000 - 50.000 đồng/kg. Cuối vụ giá thấp, có khi xuống chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg. Nhưng với những nông dân chọn cây trồng này, họ đều chấp nhận.
Bà Nguyễn Thị Chạng, ở thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi), cho rằng: “Giá ớt chỉ cần ở mức trung bình 8.000 - 10.000 đồng/kg là có lãi. Tính cả kỳ thu hoạch, giá lúc này lúc nọ, bình quân khoảng 12.000 đồng/kg. Tính ra mỗi sào ớt, lãi vài triệu đồng”. Bà Chạng cũng bảo rằng, dù giá ớt có xuống đến đâu, vụ tới gia đình bà... vẫn trồng ớt!
Ngành nông nghiệp chọn sự an toàn
Trong khi nông dân sốt sắng trồng dưa hấu, ớt, thì ngành nông nghiệp tỉnh vẫn chọn cây trồng truyền thống, ổn định đầu ra. Trong cơ cấu cây trồng đến năm 2020, chủ lực vẫn là lúa, mía, bắp, các loại đậu. Việc ổn định diện tích lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Hiện tại, mỗi sào ruộng (500m2), sau 3 - 4 tháng canh tác, trừ chi phí, người nông dân thu lãi từ 200.000 - 400.000 đồng. Đối với cây bắp và các loại đậu, lợi nhuận không đáng kể, nhưng theo ngành nông nghiệp do có “đầu ra ổn định”, nên vẫn cơ cấu khoảng 10 - 15% diện tích đất sản xuất hằng năm.
Riêng với cây mía, theo đề án tái cơ cấu cây trồng, diện tích khoảng 4.000ha. Tuy nhiên, thực tế hiện tại chưa đến 3.000ha và được dự báo sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Theo ngành nông nghiệp, cây mía hiện được hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhưng rất ít nông dân lựa chọn, vì “đòi hỏi chữ đường quá cao”. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh, so sánh: “Giá mía cách đây 8 năm cao gấp đôi hiện nay. Sản lượng tuy có tăng, nhưng so với lợi nhuận của 8 năm trước, cây mía hiện nay... thua xa. Thế nhưng, huyện vẫn cơ cấu sản xuất, vì có đầu ra ổn định”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hiệp, ở thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) đặt phép so sánh: “Vụ trước cũng 4 sào mía, gia đình thu được 20 triệu đồng. Vụ này chỉ thu được 4 triệu, do giá mía xuống quá thấp, trong khi chi phí sản xuất cao. Đó là chưa kể nhiều hộ còn không bán được mía”.
Nông dân cần được hỗ trợ
Mặc dù cây dưa hấu, cây ớt được người nông dân chọn trồng, để tăng lợi nhuận, nhưng ngành nông nghiệp lại chỉ đạo “không khuyến khích trồng dưa hấu, ớt”. Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Phạm Vinh, cho rằng: “Đầu ra cây dưa hấu bấp bênh, chính quyền không kiểm soát được, nên không mạnh dạn đưa vào cơ cấu cây trồng, tránh nguy cơ thiệt hại cho nông dân”. Đây cũng chính là lý do đối với cây ớt ở địa bàn huyện Tư Nghĩa. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh, cho rằng: Việc tiêu thụ ớt hiện nay vẫn do thương lái nắm giữ và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Chưa quản lý, kiểm soát được đầu ra thì chưa thể đưa vào cơ cấu cây trồng.
Nông dân TP.Quảng Ngãi phơi ớt tích trữ chờ cơ hội xuất khẩu. |
Còn về phía nông dân, người trực tiếp chịu trách nhiệm về việc sản xuất của mình lại cho rằng: Cây gì có giá trị kinh tế cao, có thể sản xuất thành sản phẩm hàng hóa, thì nông dân sẽ trồng. Đồng thời hy vọng ngành nông nghiệp chia sẻ với nông dân.
Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo phải lồng ghép nhiều giải pháp dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn gồm: Giải pháp khoa học, sự phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và thị trường, trong đó yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng. Do đó, ngành công thương và nông nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, giúp nông dân có điểm tựa để làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của quê hương.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Trần Ngọc Thương: Năm 2019, sẽ đưa dưa hấu, ớt vào cơ cấu cây trồng, nếu kết nối được thị trường tiêu thụ. Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền: Phối hợp kiểm soát chất lượng nông sản.
|