(Báo Quảng Ngãi)- Dự án “Xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khi hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ và phía đông huyện Sơn Tịnh” (nay là phía đông bắc TP.Quảng Ngãi, gọi tắt là Dự án đê bao Tịnh Kỳ) được trung ương bố trí vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Chính phủ (SP-RCC), với tổng mức đầu tư khoảng 184 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dự án gồm các hạng mục 8,5ha cây chắn sóng trên địa bàn xã Tịnh Kỳ và 3,5km đê kè dọc sông Bài Ca (xã Tịnh Kỳ). Tuy nhiên, tiến độ thi công dự án còn chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Nan giải mặt bằng
Là khu vực thường xuyên ngập lụt vào mỗi mùa mưa lũ, đặc biệt trong đợt lũ năm1999 và 2007 có nhiều điểm bị ngập sâu từ 3-4m, nên khi dự án đê kè dọc sông Bài Ca hoàn thành sẽ bảo vệ được 64ha đất ở, đất sản xuất của người dân dọc sông Bài Ca cũng như khu vực lân cận; đồng thời đảm bảo sản xuất cho khoảng 20ha đất nhiễm mặn và khôi phục lại một số diện tích rừng ngập mặn ven biển đã bị phá (do mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch).
Dự án đê bao Tịnh Kỳ mới thực hiện được 2km/3,5km, vì vướng mặt bằng. |
Dự án được UBND tỉnh phê duyệt dự án và giao Sở TN&MT làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 2015 – 2017. Theo đó, Sở TN&MT đã thực hiện công tác bồi thường, GPMB từ năm 2015. Tuy nhiên, do nguồn gốc sử dụng đất khá phức tạp, nên đến hết năm 2017, sau 7 đợt lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, dự án mới thu hồi được 10,8/12,5ha.
Còn 33 thửa đất vướng mắc trong việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, nên chưa đủ cơ sở lập phương án bồi thường. Chính vì thế, đến thời điểm kết thúc dự án (năm 2017), cả hai gói thầu thực hiện chưa đến 50% giá trị hợp đồng, trong đó gói thầu số 7 (đợt 1) đạt 44%, gói thầu số 9 (đợt 2) chỉ đạt 16,8%.
Cắt vốn nếu không thực hiện đúng tiến độ Dự án “Xây dựng hệ thống đê bao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng khu vực xã Tịnh Kỳ và phía đông huyện Sơn Tịnh” là dự án thuộc nhóm B (có tổng mức đầu tư dưới 800 tỷ đồng). Theo quy định tại Điều 13, Nghị định 77 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, các dự án nhóm B có thời gian thực hiện không quá 5 năm, nếu nguồn vốn giải ngân không đúng tiến độ sẽ bị cắt vốn. |
Thi công chậm tiến độ, dẫn tới công tác giải ngân vốn cũng bị ách tắc. Năm 2016, nguồn vốn trung ương giao cho dự án 73 tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân được khoảng 60 tỷ đồng. Năm 2017, nguồn vốn trung ương giao 42,5 tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân được 12,6 tỷ đồng.
Tăng tốc để kịp về đích
Trước những khó khăn phát sinh, sau khi được Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT chấp thuận, tháng 3.2018, UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2019.
“Những hộ gia đình đã được UBND thành phố phê duyệt phương án bồi thường, nhưng chưa thống nhất nhận bồi thường, trung tâm đã 3 lần ban hành thông báo nhận tiền và phối hợp với UBND xã Tịnh Kỳ tổ chức giải thích, vận động về cơ chế chính sách của Nhà nước đến từng trường hợp.
Tuy nhiên, các gia đình vẫn không thống nhất nhận tiền bồi thường, không bàn giao mặt bằng. Riêng những trường hợp chủ thửa đất chưa có giấy tờ về quyền sử dụng đất, còn nhập nhằng trong mục đích sử dụng đất, do UBND thành phố chưa ban hành quyết định công nhận hiện trạng sử dụng đất, nên trung tâm chưa thể lập phương án bồi thường”, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Nguyễn Hải Nam cho biết.
Để tháo gỡ vướng mắc, Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải đề nghị UBND TP.Quảng Ngãi quan tâm, chỉ đạo đối với dự án nhằm sớm hoàn thành công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Bài, ảnh: Ý THU