Vốn giải quyết việc làm: Chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế

08:04, 30/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2018, trung ương phân cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (CSXH) 10 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn của địa phương, giúp người dân có điều kiện vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, nguồn vốn này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả thiết thực

Chị Nguyễn Thị Thân, ở thôn Mỹ Huệ 2, xã Bình Dương (Bình Sơn) được Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (GQVL). Sau đó, chị Thân đầu tư mua bò về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, mới đây chị Thân đã bán bò được 14 triệu đồng, lo trang trải trong cuộc sống gia đình và trả dần nợ cho ngân hàng. Hiện đàn bò của chị còn 3 con. Như vậy, từ tay trắng, chị Thân đã có được một số vốn để tiếp tục đầu tư sinh lãi, phát triển kinh tế.

Nhờ nguồn vốn giải quyết việc làm, bà Nguyễn Thị Nên ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn có điều kiện mở rộng mặt hàng buôn bán.
Nhờ nguồn vốn giải quyết việc làm, bà Nguyễn Thị Nên ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn có điều kiện mở rộng mặt hàng buôn bán.


Còn đối với bà Nguyễn Thị Nên (70 tuổi), một tiểu thương buôn bán hàng tạp hóa ở chợ Châu Ổ (Bình Sơn), nguồn vốn GQVL đã trở thành “bà đỡ” cho gia đình bà từ nhiều năm qua. “Trước đây, tôi vay 20 triệu đồng đầu tư mua hàng hóa để buôn bán. Đến nay, tôi đã trả hết nợ cho ngân hàng và tiếp tục vay 50 triệu đồng để mua thêm hàng về bán. Nếu vay vốn thương mại, lãi suất cao, nhưng hàng hóa bán chậm thì khó có khả năng trả nợ”, bà Nên chia sẻ.
 

“Năm nay, trung ương phân bổ nguồn vốn cho tỉnh là vì, trong năm 2017, Ngân hàng CSXH tỉnh đã huy động được tiền gửi tiết kiệm từ dân cư. Bên cạnh đó, nguồn vốn của tỉnh cũng ủy thác 30 tỷ đồng, các huyện trích ngân sách khoảng 8 tỷ đồng, nên tổng vốn tăng 33 tỷ đồng so với năm 2017, tạo cơ hội cho nhiều người dân được vay vốn. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của toàn tỉnh lên đến 100 tỷ đồng”.
Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh TRẦN DUY CƯỜNG.

Năm 2018, tổng các nguồn vốn phân bổ cho Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn 5,6 tỷ đồng và đến nay đã giải ngân hết số vốn cho trên 150 hộ vay, nâng số hộ dư nợ từ chương trình này lên 694 hộ. Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bình Sơn Nguyễn Văn Mười cho rằng, Bình Sơn là địa bàn rộng, người dân chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp, nên nguồn vốn GQVL có vai trò rất quan trọng. Năm nay, nguồn vốn giao cho huyện cao hơn, nên có nhiều người được vay vốn.

Nhu cầu vốn còn cao           
            
Bên cạnh giải quyết việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh theo quy mô gia đình, nguồn vốn cho vay GQVL còn giúp cho hàng trăm chị em phụ nữ ở các làng nghề làm chổi đót, chổi dừa, làm bánh tráng ở huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ; nghề làm nhang, lốp xe tại xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa)... phát triển kinh tế gia đình.

Đồng thời, do không bị ràng buộc bởi đối tượng vay vốn, lãi suất chỉ ngang bằng với cho vay hộ nghèo, nên thời gian qua, nguồn vốn cho vay GQVL đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động tại các vùng nông thôn có việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo có chiều hướng giảm, do theo chuẩn đa chiều, số người nghèo tăng lên nhiều, nhưng phần lớn là già yếu, neo đơn. Hơn nữa, số đối tượng là hộ nghèo vay vốn tại Ngân hàng CSXH đã đến kỳ trả nợ nên ít có nhu cầu vay. Thế nhưng, nguồn vốn dành cho hộ nghèo vẫn được ưu tiên, trong khi những chương trình như cho vay vốn GQVL, cho vay vùng khó khăn có nhu cầu lớn, nhưng nguồn vốn lại eo hẹp.

Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường, để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ linh động điều tiết các nguồn vốn theo thứ tự ưu tiên; đồng thời xoay vòng nguồn vốn để tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn GQVL.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.