Hộ kinh doanh không được vay vốn ngân hàng

10:03, 21/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Thông tư  39 của Ngân hàng Nhà nước, các đối tượng không phải pháp nhân như hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức không có tư cách pháp nhân...  sẽ không đủ tư cách chủ thể để vay vốn tại ngân hàng thương mại. Thông tin này đã làm nhiều hộ kinh doanh (HKD) tỏ ra lo lắng.

TIN LIÊN QUAN

Cá nhân sẽ vay vốn cho hộ kinh doanh

Theo quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2017), chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Và để phù hợp, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định vào Thông tư 39 (có hiệu lực từ ngày 15.3.2017). Theo đó, các đối tượng được vay vốn tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân. Như vậy, đối với các HKD, hộ gia đình... muốn vay vốn để kinh doanh (KD), họ bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp (DN) hoặc vay với tư cách cá nhân.

Hộ kinh doanh muốn vay vốn ngân hàng phải đứng tên với tư cách cá nhân.
Hộ kinh doanh muốn vay vốn ngân hàng phải đứng tên với tư cách cá nhân.


Trong trường hợp nhằm phục vụ hoạt động KD và hoạt động khác, khách hàng cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của HKD, DN tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ KD, chủ DN tư nhân. Trước thông tin các HKD cá thể không được vay vốn ngân hàng theo Thông tư 39, nhiều người tỏ ra lo lắng vì họ phải làm thủ tục thành lập DN phức tạp, rườm rà, hoặc phải vay vốn với tư cách cá nhân sẽ có lãi suất cao hơn.

Bà N.T.L, một hộ KD các mặt hàng tạp hóa, tiêu dùng dưới dạng đại lý tổng hợp ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) cho biết: “Năm trước, để mở đại lý, tôi vay mượn được mấy trăm triệu đồng. Bây giờ nghe tin muốn tiếp tục vay vốn, phải thành lập DN, tôi thấy nản quá. Vay với tư cách chủ HKD thì ngoài lãi suất được ưu đãi, việc quản lý, nộp thuế cũng khá đơn giản. Giờ thành lập DN phải làm thủ tục thành lập, khắc dấu, hằng quý, hằng năm phải báo cáo tài chính rất phức tạp”.

Không ảnh hưởng nhiều đến người vay

Lãnh đạo một số Ngân hàng Thương mại cho biết, trước đó vẫn giải ngân vốn phục vụ sản xuất, KD cho hộ gia đình, HKD cá thể. Nay, nếu có quy định mới sẽ chờ văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, nhưng hoạt động cho vay, lãi suất đối với nhóm khách hàng là HKD, hộ gia đình sẽ không thay đổi nhiều.

Bên cạnh đó, quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ làm rõ đối tượng vay vốn, không ảnh hưởng đến việc ngân hàng giải ngân vốn vay hay lãi suất vay. Bởi lẽ, lãi suất vay vốn tùy thuộc vào mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, tài sản thế chấp và tính khả thi của dự án. Trong đó, có nhiều món vay của khách hàng cá nhân lãi suất thấp hơn nhiều so với HKD, tiểu thương, nên không thể nói cá nhân vay sẽ bị đội chi phí cao hơn HKD như trước.

Theo các chuyên gia tài chính, quy định trong Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, HKD chỉ là thay đổi vỏ hình thức về tên gọi. Theo đó, từ nay trở đi, hộ gia đình, HKD sẽ giao dịch với tư cách của cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây nữa.

Trong thông báo mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân đó và nhu cầu vốn của HKD, DN tư nhân mà cá nhân đó là chủ. Như vậy, để vay vốn, các HKD phải chuyển đổi thành DN hoặc chủ hộ phải tự đứng tên vay. Nói cách khác, việc vay vốn sẽ tiến hành bằng danh nghĩa từng cá nhân, cá nhân tự chịu trách nhiệm trả nợ, chứ không phải với danh nghĩa hộ gia đình, HKD.
    

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.