(Báo Quảng Ngãi)- Tình hình phát triển, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã có bước chuyển biến, tuy nhiên so với yêu cầu đề ra thì vẫn chậm. Để các CCN phát huy đúng công năng, cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn, nhất là về cơ sở hạ tầng.
TIN LIÊN QUAN
Chuyển biến tích cực
Theo quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020, toàn tỉnh có 29 CCN, tổng diện tích hơn 300ha. Đến nay đã có 22/29 CCN được hình thành, với tổng diện tích 279ha, nhưng chỉ có 18 CCN đi vào hoạt động. Nhiều CCN quy hoạch chi tiết cách đây gần 10 năm, nhưng chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đó là CCN An Hải (Lý Sơn), CCN Long Mai (Minh Long), CCN Sa Kỳ (TP.Quảng Ngãi), CCN Thạch Bích (Trà Bồng).
Hoạt động sản xuất, chế biến tại CCN Đồng Dinh (Nghĩa Hành) . Ảnh: T.Nhị |
Trong 15 năm qua (2002 - 2017), tổng kinh phí phân bổ, hỗ trợ đầu tư hạ tầng các CCN khoảng 198 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 12,8 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 87 tỷ đồng; ngân sách huyện và vốn tín dụng ưu đãi 99 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu đầu tư giải phóng mặt bằng, san nền, đường trục CCN, đường giao thông nội bộ, hệ thống điện, cổng ngõ, vỉa hè... Trong năm 2017, có 3 CCN là Thạch Trụ (Mộ Đức), Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), La Hà (Tư Nghĩa) được đầu tư gần 40 tỷ đồng để mở rộng, hoàn thiện hạ tầng.
Năm 2017, các CCN trong tỉnh thu hút thêm 10 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư vào CCN lên 124, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2.326 tỷ đồng và lao động đăng ký 11.500 người. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 79 DN hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 3.300 lao động. Thu nhập bình quân từ 3- 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều CCN đã tích cực thu hút đầu tư, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Điển hình là CCN Bình Nguyên (Bình Sơn) với 14 dự án, tổng vốn đăng ký 312 tỷ đồng, hiện có 11 dự án đi vào hoạt động. CCN Tịnh Ấn Tây với 19 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ đồng và đã có 14 dự án đi vào hoạt động...
Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp theo thực tế của DN trong CCN đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2016, nộp ngân sách khoảng 20 tỷ đồng. Hoạt động của các CCN chủ yếu là tập trung sản xuất, chế biến gỗ dăm, gia công may mặc, sửa chữa tàu thuyền, đóng tàu, sản xuất muối. Nhiều CCN đến nay đã lấp đầy 100% diện tích đất quy hoạch.
Triển vọng nhưng còn nhiều khó khăn
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng vào các CCN ngày càng được quan tâm, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Cụ thể như CCN Bình Nguyên (Bình Sơn), đến nay mới đầu tư hoàn thiện khoảng 70%, với số tiền 31 tỷ đồng. Cũng tại huyện Bình Sơn, mới đây do nhu cầu thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các DN sớm đi vào hoạt động, huyện đã xây dựng thêm CCN Bình Long. Sau hơn 3 năm, CCN này mới được đầu tư 12 tỷ đồng để hoàn thiện mặt bằng để di dời Nhà máy mì Tịnh Phong.
Còn CCN Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) được thành lập cách đây 2 năm, nhưng mới được đầu tư gần 9 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, thi công đường trục chính. Năm 2016, có 2 DN đăng ký vào CCN này, nhưng do hạ tầng chưa hoàn thiện, nên DN chưa thể triển khai dự án. Tại TP.Quảng Ngãi có CCN Trương Quang Trọng (trước đây là điểm công nghiệp – làng nghề thị trấn Sơn Tịnh) được hình thành từ năm 2004, mang tính chất là CCN làng nghề với quy mô 1ha, đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư đường điện, nhưng chỉ có 1 DN đăng ký vào hoạt động và đã ngừng hoạt động từ năm 2012.
Theo đánh giá của Sở Công thương, việc quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Chất lượng quy hoạch chưa tốt, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư thỏa đáng, xúc tiến đầu tư vào CCN chưa được quan tâm. Các DN thu hút vào CCN chủ yếu là DN nhỏ, sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao, tiến độ đầu tư nhiều dự án chậm, dẫn đến lãng phí đất đai. Những bất cập, hạn chế này cần phải sớm được giải quyết, tháo gỡ, để CCN thực sự là địa chỉ thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống dân cư.
THANH HUYỀN