Thực hiện dồn điền đổi thửa: Khổ vì... tiên phong

10:07, 25/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiên phong, tích cực thực hiện phong trào dồn điền đổi thửa (DĐĐT), nhưng hiện nay, chính quyền một số địa phương lại rơi vào cảnh “làm không được, bỏ cũng chẳng xong”, vì không tìm được nguồn kinh phí, để bù vào khoản bị thiếu hụt.

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, phong trào DĐĐT trên địa bàn tỉnh khá trầm lắng, vì kinh phí hỗ trợ phân khai chậm, nên các địa phương lo xảy ra nợ đọng.

Tiên phong

Đến thời điểm này, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đã thực hiện DĐĐT và chỉnh trang 138ha. Riêng giai đoạn 2014-2015, đã có trên 30ha đất sản xuất nông nghiệp được DĐĐT và chỉnh trang. “Hưởng ứng chủ trương DĐĐT, cộng với mong muốn tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nên thời điểm ấy, dù mức hỗ trợ cho DĐĐT chỉ 7 triệu đồng/ha, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện”, Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như cho biết.

Kinh phí hỗ trợ thấp, lại bố trí chậm khiến nhiều địa phương chật vật trong việc dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng.
Kinh phí hỗ trợ thấp, lại bố trí chậm khiến nhiều địa phương chật vật trong việc dồn điền đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng.


Với những “quả ngọt” mà DĐĐT và chỉnh trang mang lại trong quá trình sản xuất, người dân trong xã đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng diện tích thực hiện. Vì thế, số diện tích DĐĐT và chỉnh trang ở địa phương này liên tục được mở rộng qua các năm. Và hiện giờ, xã Đức Hiệp là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng ở huyện Mộ Đức.

Trong khi đó, xã Đức Phú được xem là “điểm sáng” của tỉnh, khi có 274ha được DĐĐT và chỉnh trang. Riêng giai đoạn 2013 - 2015, đã có 224ha được DĐĐT và chỉnh trang. “Nhưng với mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha theo Quyết định 34, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Và những khó khăn ấy đến giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú Nguyễn Giáp Thìn cho biết.

Từ giữa tháng 7.2016, theo Quyết định 50 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, mức hỗ trợ thực hiện DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng là 15 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xã Đức Phú đã hoàn thành công tác DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng năm 2016, với diện tích 50ha, với tổng kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Thế nhưng hiện nay, ngân sách chỉ phân khai 1,5 tỷ đồng, nên chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Gặp khó

Theo kế hoạch năm 2017, xã Đức Phú sẽ thực hiện DĐĐT và chỉnh trang 81ha. Tuy nhiên, do kinh phí thực hiện DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng năm 2016 vẫn chưa được bố trí dứt điểm, nên chính quyền xã Đức Phú lo lắng tiến độ năm 2017 sẽ bị ảnh hưởng. Cùng với đó, khoản kinh phí bị hụt khi tiên phong thực hiện DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng giai đoạn 2013 - 2015, cũng chưa được giải quyết, khiến xã Đức Phú rơi vào cảnh chật vật.

“Nếu được cấp trên quan tâm hỗ trợ cấp bù vào khoản bị thiếu hụt, thì chúng tôi đỡ vất vả. Còn thời gian tới, rất mong tỉnh cấp đủ và kịp thời kinh phí DĐĐT và chỉnh trang đã được phê duyệt, để địa phương yên tâm thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phú Nguyễn Giáp Thìn chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Đức Hiệp Huỳnh Văn Như thì cho rằng: “Hiện nay, địa phương cũng loay hoay, chưa biết tìm đâu ra nguồn, để bù vào khoản kinh phí bị hụt do tiên phong thực hiện DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng trong những năm trước”. Không chỉ bị hụt kinh phí do tiên phong thực hiện DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng theo Quyết định 34, mà năm 2016 xã Đức Hiệp cũng không được thụ hưởng mức hỗ trợ theo Quyết định 50 là 15 triệu đồng/ha.

Nguyên nhân là địa phương này thực hiện DĐĐT và chỉnh trang gần 40ha sau khi kết thúc vụ sản xuất đông xuân (từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5), trong khi Quyết định 50 lại có hiệu lực từ giữa tháng 7.2016. Vì vậy, dù được tiếng là điểm sáng của phong trào DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng, nhưng hiện nay, xã Đức Hiệp cũng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”. 

“Chúng tôi rất mong cấp trên quan tâm gỡ khó và có cơ chế khen thưởng, nhằm động viên và tiếp thêm động lực cho những địa phương tiên phong, tích cực thực hiện phong trào DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng”, ông Như bày tỏ.

Thực hiện DĐĐT được xem là giải pháp chủ yếu nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, tiến tới hình thành chuỗi sản xuất giá trị cao. Vì vậy, bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc đã tồn tại, chính quyền các địa phương mong muốn tỉnh ưu tiên và bố trí nguồn lực kịp thời, góp phần thực hiện thành công chương trình này.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.