Tháo gỡ ách tắc cho dồn điền đổi thửa

08:10, 03/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù quyết định đến hiệu quả sản xuất, nhưng nguồn lực đầu tư cho công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) chưa tương xứng. Do đó, việc tăng mức đầu tư theo Quyết định số 50 của UBND tỉnh được xem là “lực đẩy” để DĐĐT bứt phá trong thời gian tới.

TIN LIÊN QUAN

Chật vật...

Kết thúc vụ sản xuất đông xuân 2015-2016, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) tiến hành DĐĐT hơn 27ha đất sản xuất lúa ở thôn Mỹ Hưng. Sau 30 ngày, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và đơn vị thi công, việc DĐĐT đã hoàn thành, kịp vụ sản xuất hè thu 2016.

Nhìn người dân phấn khởi sản xuất trên thửa ruộng bằng phẳng, đường to, kênh thẳng mà chính quyền xã và đơn vị thi công cũng vơi đi phần nào nỗi lo... hụt kinh phí! Bởi, trước khi thực hiện DĐĐT, Hành Thịnh loay hoay không biết tìm đâu ra nguồn kinh phí ngoài khoản hỗ trợ 7 triệu đồng/ha của tỉnh. “Rất may là người dân thôn Mỹ Hưng đồng thuận, tự nguyện đóng góp kinh phí và ngày công lao động”, ông Huỳnh Thanh Long - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh cho hay.

 

DĐĐT góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhằm tăng năng suất và thu nhập cho nông dân.
DĐĐT góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhằm tăng năng suất và thu nhập cho nông dân.

Tuy được người dân hợp tác, nhưng thực hiện DĐĐT với số tiền 9 triệu đồng/ha, đơn vị thi công cầm chắc thua lỗ. Nhưng vì “đây là cánh đồng DĐĐT đầu tiên của xã nông thôn mới”, nên đơn vị thi công cũng ủng hộ và chia sẻ.

Quyết định số 50 của UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngân sách sẽ hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp hoặc Ban Phát triển thôn thực hiện DĐĐT theo các mức diện tích như sau: Từ 5-10ha là 5 triệu đồng/thôn; từ 10-30ha là 10 triệu đồng/thôn; trên 30-50ha là 15 triệu đồng/thôn; trên 50-100ha là 20 triệu đồng/thôn; trên 100ha là 25 triệu đồng/thôn. Về chỉnh trang đồng ruộng, ngân sách hỗ trợ 15 triệu đồng/ha đối với đất trồng lúa; 10 triệu đồng/ha đối với đất trồng các loại cây trồng cạn ngắn ngày...
Đáp lại sự đồng thuận ấy, vụ hè thu năm 2016, cánh đồng DĐĐT cho năng suất bình quân 70 tạ lúa/ha. Người dân phấn khởi, chính quyền xã và đơn vị thi công cũng vui lây. Tuy nhiên, khi người dân các thôn khác thấy hiệu quả của DĐĐT, đề nghị được thực hiện DĐĐT các cánh đồng sản xuất lúa, chính quyền xã Hành Thịnh lại... cân nhắc, vì lo hụt kinh phí.

Không riêng gì Hành Thịnh, các địa phương trong tỉnh cũng chật vật mỗi khi thực hiện DĐĐT, vì kinh phí hạn hẹp. Thực tế, với 7 triệu đồng/ha mà tỉnh hỗ trợ không thể đủ để thực hiện DĐĐT. Vì vậy, dù rất muốn tăng diện tích DĐĐT, nhưng các địa phương cũng đành chịu vì không biết tìm đâu ra kinh phí để “bù”.

... và sẽ thuận lợi hơn

Tuy nhiên, với chính sách khuyến khích hỗ trợ DĐĐT theo Quyết định 50 của UBND tỉnh vừa ban hành, phong trào DĐĐT hứa hẹn sẽ sôi động trong thời gian tới. Theo ông Phan Diệp-Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn: “Quyết định 50 của tỉnh có hiệu lực đã “mở rất nhiều nút thắt" cho công tác DĐĐT. Đơn cử như việc huy động sức dân”.

Thực tế, một số hộ dân bất hợp tác với phong trào DĐĐT vì lo “mất bờ xôi ruộng mật”. Do đó, việc huy động nguồn lực từ dân là vô cùng khó khăn, có nơi không thực hiện được. Vì vậy, với mức hỗ trợ mới, công tác DĐĐT sẽ dễ dàng được khơi thông. Chính quyền cơ sở chỉ tập trung tuyên truyền và vận động người dân tham gia, không phải lo chuyện thiếu hụt kinh phí, nên yêu cầu được DĐĐT của người dân không còn phải đợi... cân nhắc, xem xét, mà đã được UBND xã Hành Thịnh xây dựng phương án chi tiết để thực hiện vào năm 2017.

Theo kế hoạch, năm 2017 toàn tỉnh ước DĐĐT gần 1.700ha, kinh phí hỗ trợ gần 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản nợ hơn 21 tỷ đồng giai đoạn 2014-2016 chưa trả dứt điểm, nên hiện giờ chính quyền địa phương và doanh nghiệp không mạnh dạn tham gia DĐĐT. Vì vậy, ông Dương Văn Tô-Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí vốn để thúc đẩy phong trào DĐĐT, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, nhằm tăng năng suất và thu nhập cho nông dân.

                    

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.