(Báo Quảng Ngãi)- Triển khai công tác phát triển thị trường năm 2017, Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh yêu cầu phải gắn kết thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động này giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong năm 2016, Quảng Ngãi đã triển khai 6 giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu của Cuộc vận động là truyền thông điệp "Người Việt dùng hàng Việt" đến người dân trong tỉnh. Trong đó, đặc biệt xem trọng công tác tuyên truyền, với sự vào cuộc của tất cả các cơ quan truyền thông, hội, đoàn thể; tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại; đưa hàng Việt về nông thôn; bình ổn giá Tết; tổ chức "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam"; kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ...
Nhiều giải pháp cho một mục tiêu
Trong năm 2016, ngành chức năng đã cấp gần 100 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm. Lực lượng quản lý thị trường và thanh tra chuyên ngành kiểm tra hàng trăm lượt tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, qua đó xử phạt, tiêu hủy hàng chục tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc. Năm 2016, nhiều DN tổ chức hoạt động khuyến mại, với gần 7.000 hồ sơ đăng ký thực hiện, giá trị khuyến mại hơn 3 tỷ đồng. Các DN bán lẻ uy tín đã tổ chức 9 chuyến hàng về nông thôn; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức 5 "phiên chợ hàng Việt", với khoảng 150 gian hàng...
Người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm hàng Việt tại điểm bán hàng Việt ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). |
Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động phong trào "Người Quảng Ngãi sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn" lồng ghép vào Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" để tuyên truyền đến nhân dân thực hiện nhiều nội dung. Đó là: Không sử dụng thực phẩm không an toàn; không trồng và bán sản phẩm nông nghiệp không đảm bảo an toàn thực phẩm; không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có xuất xứ; không làm ngơ khi biết người cùng thôn, tổ dân phố hoặc khu dân cư sản xuất, nuôi trồng và bán sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước, Quảng Ngãi còn thực hiện Chương trình xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt với tên gọi "Tự hào hàng Việt" tại thị trấn Di Lăng. Hiện tại điểm bán hàng Việt này đang hoạt động hiệu quả, được đông đảo người dân trong vùng đến lựa chọn và mua sắm.
Tạo thị trường hàng Việt bền vững
Tại Hội nghị tổng kết năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh đã xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thiết thực, nhằm tăng tính hiệu quả của cuộc vận động này.
Nét mới trong triển khai thực hiện Cuộc vận động này năm 2017 là quán triệt sâu rộng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong tỉnh triệt để ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công. Các DN, người sản xuất, kinh doanh trong tỉnh khi triển khai các dự án, công trình phải sử dụng trang thiết bị, nguyên vật liệu nội địa và dịch vụ, giá cả có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến; đổi mới quản lý để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm; thiết lập hệ thống phân phối, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước.
Phó ban Chỉ đạo Cuộc vận động, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Văn Sáu cho biết: "Việc triển khai Cuộc vận động trong năm 2017 phải tuyên truyền với cường độ cao, có sức thuyết phục, sát với từng đối tượng. Trong đó chú ý phát hiện các điển hình; đồng thời thường xuyên tôn vinh, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, tạo thi đua cho các DN, qua đó thực hiện hiệu quả việc gắn kết, tạo thị trường hàng Việt bền vững".
Bài, ảnh: THANH NHỊ