Sắc xuân ATK

04:01, 16/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với truyền thống cách mạng và khát khao vươn lên, người dân các vùng An toàn khu (ATK) trên địa bàn huyện Ba Tơ đã chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, cuộc sống ngày càng sung túc.

TIN LIÊN QUAN

Ngày 8.8.2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận thị trấn Ba Tơ và 5 xã gồm: Ba Vinh, Ba Giang, Ba Chùa, Ba Động, Ba Thành thuộc vùng An toàn khu của Trung ương ở Quảng Ngãi.  

Diện mạo mới

Cách đây vài tháng, đường về khu dân cư Gò Lút, thôn Ba Nhà, xã Ba Giang - căn cứ địa vùng ATK ngổn ngang đất đá, nắng bụi, mưa lầy, khiến việc đi lại của người dân khó khăn. Bây giờ, hơn 1km đường về Gò Lút rộng rãi, sạch đẹp, xe cộ dập dìu lẫn trong tiếng nói cười rộn ràng của bà con nơi đây. “Đường chỉ bê tông một đoạn thôi, nhưng bà con vui lắm!”, anh Phạm Văn Kin, khu dân cư Gò Lút bày tỏ.

 Đường lên ATK Ba Tơ hôm nay.        ẢNH: K.D
Đường lên ATK Ba Tơ hôm nay. ẢNH: K.D


Với người dân xã Ba Động, mùa xuân như về sớm hơn khi có đến 6 tuyến đường kiên cố hóa, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Nhìn con đường bê tông thoáng đãng, ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Tân Long Trung hồ hởi: “Nhà nước hỗ trợ tiền, bà con góp sức nên mới có đường đẹp như thế này đấy!”. Thực tế, cả 6 tuyến đường hoàn thành đúng tiến độ là nhờ người dân nơi đây hiến đất, tự nguyện tháo dỡ tường rào cổng ngõ và tích cực đóng góp hàng trăm ngày công tham gia xây dựng công trình. Sự đồng thuận ấy được tiếp nối bởi tinh thần đoàn kết của người dân vùng ATK.
 

Sau gần 3 năm, vùng ATK được Trung ương và tỉnh hỗ trợ gần 26 tỷ đồng; huyện Ba Tơ cũng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình 30a, 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư phát triển hạ tầng và sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trong khi đó, chính quyền và người dân xã Ba Thành lại kỳ vọng thổ cẩm Làng Teng sẽ “trở mình” khi tuyến đường vào thôn Làng Teng vừa bê tông xong. “Có đường xi măng nên bạn hàng dưới xuôi vào tận nhà để chọn lựa thổ cẩm. Chứ hồi trước, trời mưa là đường khó đi nên mình phải gùi hàng ra chợ cho họ”, chị Phạm Thị Ty, người dệt thổ cẩm Làng Teng lý giải. Vì lẽ ấy mà từ khi tuyến đường hoàn thành, Làng Teng bỗng bừng sáng và tràn đầy sức sống.

Cuộc sống mới

Nếu như những công trình giao thông mang lại diện mạo mới cho nông thôn miền núi vùng ATK, thì sự chuyển biến trong nhận thức về sản xuất đã mang lại cuộc sống mới cho người dân trong việc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Nếu như trước đây, người dân vùng ATK còn lạ lẫm với máy gặt đập liên hợp, máy làm đất hay trồng cỏ, nuôi bò... thì bây giờ, bà con giao phó việc thu hoạch lúa cho máy, tận dụng những diện tích đất trống để trồng cỏ vỗ béo bò. Thậm chí, nhiều hộ còn đầu tư sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất và chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng bắp hoặc cỏ. Sự thay đổi này làm cho hiệu quả sản xuất nâng cao. Cuộc sống người dân vì thế cũng dần cải thiện, với thu nhập bình quân tăng từ 6 - 7 triệu lên 12 - 15 triệu đồng/người/năm. Riêng xã Ba Động có mức thu nhập lên đến 25 - 26  triệu đồng/người/năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương thì, đột phá nhất chính là nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cung cách làm ăn. Được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của ATK, 30a, 135 và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân các xã vùng ATK đã đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất quy mô lớn. Điển hình như anh Bùi Minh Toàn ở thôn Nước Y, xã Ba Vinh.

Sản phẩm thổ cẩm Làng Teng  đã vươn ra thị trường nhờ giao thông thuận lợi.           	                                        Ảnh: M.H
Sản phẩm thổ cẩm Làng Teng đã vươn ra thị trường nhờ giao thông thuận lợi. Ảnh: M.H


 Anh Toàn khởi nghiệp với gần 1ha đất đồi, một con heo nái và 25 triệu đồng vốn vay ưu đãi. Sau 5 năm, anh Toàn đã sở hữu trang trại gần 30 con heo nái và 450 - 500 con heo thịt, doanh thu mỗi năm trên 1,4 tỷ đồng. Từ thành công này, trang trại anh Toàn đã trở thành “điểm đến” của những hộ có ý định đầu tư nuôi heo trên địa bàn huyện Ba Tơ. Nhiều trang trại chăn nuôi heo vì thế cũng “nở rộ” và làm ăn hiệu quả. Riêng Ba Vinh đã trở thành xã miền núi đầu tiên của tỉnh thành lập câu lạc bộ chăn nuôi heo, thu hút hàng chục hộ tham gia.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những kết quả mà chính quyền và người dân vùng ATK gặt hái được thật sự ấn tượng. Đây chính là động lực để bà con viết tiếp trang sử "ATK thời kỳ đổi mới".

Mỹ Hoa
 


.