Thăm ATK Ba Tơ nhớ những ngày tháng 8

10:08, 27/08/2013
.

Về thăm vùng ATK Ba Tơ những ngày này, bạn sẽ hiểu thêm một địa danh kháng chiến lừng lẫy, một đội du kích Ba Tơ anh hùng, một thời “thuốc súng kém, chân đi không” và tấm lòng của người dân đối với lực lượng nòng cốt tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 ở Quảng Ngãi.

 

Bản làng thanh bình dưới chân núi Cao Muôn - vùng ATK năm xưa - Ảnh: Võ Quý Cầu

ATK Ba Tơ trải dài trên 5 xã Ba Động, Ba Cung, Ba Thành, Ba Vinh, Ba Giang và thị trấn Ba Tơ nằm trên trục quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với các tỉnh Tây nguyên. Vào địa bàn ATK, nếu đi ngược từ ngã ba Thạch Trụ lên, bắt đầu từ xã Ba Động, khách sẽ đi vòng qua hai chặng đường đèo Đá Chát và đèo Lâm với cánh đồng lúa chín vàng, những rừng thông xanh, những bản làng của người dân tộc H’Rê bên sườn núi.

Dọc theo vùng ATK Ba Tơ còn có dòng sông Liêng - thượng nguồn sông Vệ - một trong bốn dòng sông lớn của Quảng Ngãi lượn lờ uốn khúc, càng nên thơ trong bảng lảng trời chiều.

Du khách tham quan ATK Ba Tơ có thể bắt đầu từ cụm di tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Ba Tơ tại thị trấn Ba Tơ với Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ và khá nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11-3-1945. Sau đó đến thăm đồn Ba Tơ, Nha kiểm lý của chính phủ Nam Triều từng là mục tiêu của cuộc khởi nghĩa cùng những di tích khác liên quan đến đội du kích như nhà ông Trần Quý Hai - nơi họp bàn quyết định khởi nghĩa, hang Én - nơi đội du kích Ba Tơ tổ chức lễ tuyên thệ.

Đến đây, một phút lắng lòng để hiểu hơn tấm lòng sắt son của những chiến sĩ cách mạng, những người tù chính trị đã chớp thời cơ vận động quần chúng đánh đổ thực dân phong kiến, giành chính quyền ở châu lỵ Ba Tơ. Dừng chân tại hang Én nằm sau trung tâm y tế huyện bên sông Liêng có phù điêu đội du kích Ba Tơ, tổ chức lễ tuyên thệ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, càng cảm phục hơn tấm lòng sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của những người du kích.

 

Đường về ATK Ba Tơ qua những rặng thông xanh - Ảnh: Võ Quý Cầu

 

Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ nằm trong quần thể di tích khởi nghĩa Ba Tơ - Ảnh: Võ Quý Cầu

 

Sau khi thăm quần thể di tích cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ở thị trấn Ba Tơ, ngược đường về Ba Thành theo con đường đất rẽ về hướng bắc đi qua làng Teng - làng dệt thổ cẩm duy nhất của người H’Rê ở Quảng Ngãi - là đến khu vực bến Buông. Ở đoạn này, sông Liêng uốn lượn đôi bờ, những phiến đá do nước bào mòn hàng trăm năm tạo nên những hình thù kỳ thú.

Tại đây có câu chuyện kể về chiến sĩ du kích Ba Tơ Phạm Hương (94 tuổi, hiện sống ở thị trấn Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) - người chỉ huy đội thuyền ngược dòng sông Liêng về với đồng bằng thu gom lương thực, thực phẩm rồi ngược dòng sông về thượng nguồn để nuôi quân trong sự lùng sục ráo riết của kẻ thù.

Rời bến Buông đi tiếp chừng vài kilômet sẽ thấy núi Cao Muôn nằm ở phía tây xanh thẳm và căn cứ Nước Lá ở phía đông, Nước Sung, hang Vọt Rệp có thác nước chảy đêm ngày. Cạnh đó là bản làng của đồng bào dân tộc H’Rê  với những ngôi nhà sàn xinh xắn...

Gặp các cụ cao niên trong làng, bạn sẽ được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng của người H’Rê đối với những thành viên của đội du kích Ba Tơ. Đó là mẹ Thía nghèo phải đi mót khoai mì, khoai lang, nhưng đóng góp gạo để nuôi anh em du kích. Đó là cụ Run - một già làng đã dõng dạc trả lời khi quân đội Nhật bắt cụ dẫn đường lên tấn công căn cứ: “Tao già rồi có chết cũng được. Nhưng tao chết thì con cháu tao nổi lên”.

Trên núi Cao Muôn ngày nắng nóng, đêm lạnh và bọ chét bám đầy, nhưng với lòng sắt son yêu nước, ý chí kiên cường, tất cả đã vượt qua cùng nhau học tập chính trị, quân sự để rồi hơn hai tháng sau đó, đội du kích Ba Tơ tiến về trung châu thành lập Đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám ở vùng núi Lớn tiếp giáp với Mộ Đức, Nghĩa Hành và Ba Tơ tại xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh. 

 

Di tích chiến khu Nước Lá, xã Ba Vinh thuộc ATK Ba Tơ - Ảnh: Võ Quý Cầu

 

Di tích Bến Buông, xã Ba Chùa có hình chiếc thuyền - nơi tiếp nhận lương thực, vũ khí từ đồng bằng ngược dòng sông Liêng về ATK Ba Tơ - Ảnh: Võ Quý Cầu

 

Ngày 14-8, khi Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát lệnh khởi nghĩa, đội quân du kích Ba Tơ phối hợp lực lượng vùng lên đấu tranh. Ngày 16-8, nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi đã giành được chính quyền. Đến ngày 30-8, chính quyền cách mạng ra mắt trước toàn dân và Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong toàn quốc.

Trở về đồng bằng rồi đi tiếp cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp rồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều thành viên của đội du kích Ba Tơ đã trở thành tướng lĩnh trong quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Nay họ vẫn nhớ về vùng quê xưa, chiếc nôi cách mạng và vui mừng khi được Chính phủ công nhận 5 xã và thị trấn Ba Tơ là vùng ATK trong kháng chiến chống Pháp.

 

Ngày 8-8-2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận 5 xã của huyện Ba Tơ gồm Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng An toàn khu (ATK) của trung ương ở Quảng Ngãi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi lập, phê duyệt đề án nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng căn cứ.  

 

Theo VÕ QUÝ CẦU/Báo Tuổi trẻ


CÁC TIN KHÁC
.