Trở về vùng ATK Ba Vinh

03:10, 29/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong số 5 xã và thị trấn Ba Tơ được Trung ương công nhận là An toàn khu trong thời chống Pháp thì xã Ba Vinh là vùng trung tâm.

TIN LIÊN QUAN

Cuối tháng 10, sau những cơn mưa, núi Cao Muôn xanh thẳm. Những thôn, làng tựa dưới chân núi thật bình yên. Dòng nước ở suối Nước Sung, Nước Lá vẫn trong vắt chảy đêm ngày, như tấm lòng của người dân Ba Vinh mãi son sắt với cách mạng.

Tấm lòng son sắt thủy chung  

 Ngồi nơi đầu tra (đầu nhà sàn) nhấp ngụm nước chè nóng, già làng Phạm Văn Truyền (nguyên Bí thư xã Ba Vinh) ở thôn Nước Sung, cười vui: "Già tự hào khi xã Ba Vinh mình cùng với bốn xã và thị trấn Ba Tơ được Trung ương công nhận là ATK. Ngày tổ chức lễ công bố sắp đến rồi. Mình sẽ cùng với dân qua huyện dự lễ". Nói rồi, ông đưa tay chỉ về nơi đầu làng có rặng cây to, bảo: "Nơi đó, đồng bào mình đã tổ chức lễ ăn thề với Đội du kích Ba Tơ rằng, cùng nhau đánh Pháp, đuổi Nhật để giành độc lập cho đất nước, để cái làng mình được no ấm, yên vui"…

 

Cơ sở hạ tầng dưới chân núi Cao Muôn, căn cứ của Đội du kích Ba Tơ, đang ngày một phát triển. Ảnh: TL
Cơ sở hạ tầng dưới chân núi Cao Muôn, căn cứ của Đội du kích Ba Tơ, đang ngày một phát triển. Ảnh: TL


Sau Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11.3.1945 thành công, Đội du kích Ba Tơ được thành lập, tổ chức lễ tuyên thệ "hy sinh vì Tổ quốc" bên hang Én, rồi vượt sông Liêng đến vùng núi Cao Muôn để lập chiến khu. Vùng núi Cao Muôn xưa là rừng thiêng nước độc. Thuở ban đầu mới thành lập, Đội du kích gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng tấm lòng yêu nước sắt son và tình cảm thiết tha sâu nặng của đồng bào dành cho, nên các thành viên của Đội du kích Ba Tơ đã vượt qua tất cả.  

Cho đến bây giờ, người dân nơi đây vẫn thường kể cho nhau nghe câu chuyện về những người mẹ nghèo mót lúa, mót khoai để góp gạo nuôi anh em du kích. Câu chuyện về già Run như một huyền thoại được những người già thuộc nằm lòng để kể cho con cháu nghe mỗi khi quây quần bên nhau. Rằng, khi quân Nhật đánh vào An toàn khu, chúng lấy gươm cứa cổ già Run, rồi bắt dẫn đường lên núi Cao Muôn. Già mặc nhiên dõng dạt: "Chúng mày giết tao, nhưng con cháu tao sẽ nổi dậy giết chúng mày". Không chỉ chở che đùm bọc, mà nhiều thanh niên trong xã vào du kích, tham gia vận chuyển lương thực lên núi Cao Muôn.

 Cũng tấm lòng sắt son đó trong cuộc kháng chiến chống Pháp đồng bào dân tộc Hrê xã Ba Vinh lại tích cực đóng góp lương thực cho bộ đội. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào dân tộc xã Ba Vinh vẫn một lòng theo Đảng và là một trong những nơi đầu tiên bà con tự nguyện theo họ của bác Phạm Văn Đồng…  

Diện mạo mới ở vùng ATK   

 Ba Vinh bây giờ khác xưa thật nhiều. Con đường về làng Cây Da nằm dưới chân núi Cao Muôn đã có cầu treo nối nhịp. Ở chiến khu Nước Lá, Nước Sung cũng đã xây dựng phù điêu, bia bản để nhớ về chiến khu, về vùng ATK một thời kháng chiến. Già làng Phạm Văn Truyền, phấn khởi cho biết, có lần trung tướng Nguyễn Đôn về dự lễ kỷ niệm khởi nghĩa Ba Tơ, rồi ghé thăm làng.

Bà con mình đứng chật trong, chật ngoài, nghe ông kể chuyện ngày xưa mà càng tự hào về quê hương mình. "Tự hào về quá khứ, nên càng phải nỗ lực phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân. Có như thế mới xứng đáng với lớp người đi trước, mới không phải ngại ngùng mỗi khi có đoàn khách ghé thăm" - già Truyền bộc bạch. Cũng chính vì lẽ đó, nên nhiều năm rồi Đảng bộ, chính quyền xã Ba Vinh tập trung phát triển sản xuất.

Ông Phạm Văn Thơm, thôn Nước Lá đưa chúng tôi thăm những vườn trồng cây mây rừng. Ông giải thích: "Ở vùng này, mỗi khi làm nhà, bà con vào rừng tuốt dây mây. Rồi nhiều người đến thu mua dây mây rừng. Thấy thuận lợi nên một số người đã đem cây mây rừng về trồng ở vườn để tiện chăm sóc, thu hoạch. Nhiều người thấy vậy, bắt chước làm theo nên hiện giờ toàn xã có 155 ha mây, cao nhất huyện. Cùng với việc trồng mây, trên những khu đồi thấp, bà con còn trồng 2.280 ha keo nguyên liệu.  Những cánh đồng dọc suối Nước Lá, Nước Sung giờ sản xuất lúa hai vụ/năm, năng suất vụ đông xuân 2012-2013 đạt bình quân 56,8 tạ/ha cao gần bằng một số vùng ở huyện đồng bằng. Nhờ tập trung phát triển kinh tế nên cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể. Số hộ nghèo qua các năm giảm dần. Cuộc sống dần khá hơn nên bà con cũng chăm lo việc học cho con em. Năm học 2013 - 2014, toàn xã đã có 766 học sinh đến trường trong độ tuổi.

Ông Phạm Văn Rạch - Chủ tịch UBND xã Ba Vinh, tự hào: "Cuộc sống khá dần lên thì càng phải chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều năm qua, xã Ba Vinh tích cực vận động bà con bảo tồn nhà sàn. Bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên nếp cũ mà chuồng trâu bò phải làm ra xa chứ không được nuôi nhốt dưới sàn nhà. Đồng thời xây dựng hố xí tự hoại để đảm bảo vệ sinh…"
    

MAI HẠ

 


.