Ba Tơ - Cú hích từ ATK

10:03, 11/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ba Tơ là địa bàn che chở những người con của cách mạng để làm nên nhiều chiến công vang dội, đặc biệt là 5 xã: Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ. Vì lẽ đó, các địa phương này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là An toàn khu (ATK) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào năm 2013.  

TIN LIÊN QUAN

Từ bệ phóng lịch sử…

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ba Tơ là vùng tự do, căn cứ địa của miền Nam Trung Bộ. Nhiều địa danh, tên núi, tên đất, tên sông, tên làng ở Ba Tơ đã đi vào lịch sử. Ba Tơ là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường, là nơi nổ ra cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ 70 năm trước (11.3.1945), cũng là nơi thành lập Đội Du kích Ba Tơ. Núi rừng Ba Tơ đã che chở cho đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang Khu 5 này, góp công lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và cuộc trường chinh kháng chiến chống Pháp 9 năm sau đó. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân và dân Ba Tơ đã lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thị trấn Ba Tơ hôm nay.                                       Ảnh: NG.TRIỀU
Thị trấn Ba Tơ hôm nay. Ảnh: NG.TRIỀU


Ba Tơ được xem là mảnh đất “địa linh”. Chính tại đây, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi đã có nhiều quyết định quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Nơi đây đã che chở cho cán bộ và đội viên Đội Du kích Ba Tơ, trong đó có nhiều cán bộ quan trọng của Trung ương sau này. Đó là Trung tướng Phạm Kiệt, người nổi danh với chủ trương “kéo pháo ra” cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Hay là đồng chí Nguyễn Khoách được nhiều người biết đến là một trong hai người (cùng với ông Võ Bẩm) được Bác Hồ trực tiếp giao việc mở đường 559 (đường Trường Sơn huyền thoại). Và còn đó là Trung tướng Nguyễn Đôn, vị tướng gắn với cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ lừng danh...

Ông Trần Thanh Vân - nguyên Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (1992 - 2004), người tham gia viết lịch sử Đảng bộ huyện Ba Tơ, quả quyết: Sở dĩ Ba Tơ luôn được lịch sử giao phó những trọng trách quan trọng trong những năm tháng chống giặc ngoại xâm, bởi trước hết đây là vùng núi non hiểm trở, gây khó khăn cho địch khi triển khai các phương tiện chiến đấu hiện đại. Nhưng ta thì lại có thể dùng mạng lưới đường mòn xuyên rừng chằng chịt để liên lạc với Tây Nguyên và miền xuôi. Ba Tơ là địa phương hai lần anh hùng: Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc ở Ba Tơ nhất tề xông lên giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày nay, người dân Ba Tơ lại đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương giàu đẹp.

…đến khởi sắc cùng ATK

Sau ngày khởi nghĩa 11.3.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân Ba Tơ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, toàn tâm toàn lực quyết tâm tăng gia sản xuất và chiến đấu. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân và dân Ba Tơ đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Thành quả đó đã được Đảng và Nhà nước khen tặng huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang và 20/20 xã, thị trấn Anh hùng Lực lượng vũ trang. Sau ngày miền Nam giải phóng,  Đảng bộ, quân và dân Ba Tơ tiếp tục ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đào phá bom mìn, khai hoang phục hóa; xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, thực hiện hàng loạt chính sách của Đảng và Nhà nước để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Ba Tơ là một trong những huyện đi đầu trong công cuộc đổi mới, khiến cho cái bụng của đồng bào Hrê được no, được đi trên những con đường bê tông phẳng lì. Và hơn hết, Ba Tơ được biết đến với cái màu xanh ngút mắt của núi rừng. Cái màu xanh báo hiệu sự ấm áp, đủ đầy trong mỗi nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Hrê đã nói lên rằng, Ba Tơ đã biết tựa vào quá khứ để làm bệ phóng cho sự phát triển hôm nay. Niềm vui của Đảng bộ và nhân dân khi có vùng ATK lại được tiếp nối khi trong tháng 10.2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội các xã thuộc vùng ATK giai đoạn 2014 - 2020”. Tổng kinh phí thực hiện đề án lên đến gần 650 tỷ đồng.

Ông Lê Hàn Phong - Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho rằng: Cú hích từ ATK sẽ tạo ra sức phát triển mới về kinh tế - xã hội và tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng căn cứ cách mạng. Mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của các xã, thị trấn vùng ATK đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức sống bình quân của người dân trong huyện. Tỷ lệ hộ nghèo từ nay đến 2020 giảm khoảng 4%/năm. Điện, đường, trường, trạm sẽ được đầu tư xứng tầm với “danh hiệu” ATK.

Các chính sách an sinh xã hội, đầu tư phát triển, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, gia đình khó khăn được thực hiện đồng bộ, quyết liệt nên đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Khắc phục tình trạng thiếu đói giáp hạt hàng năm; đã và đang thực hiện trợ cấp xã hội cho 1.257 đối tượng là người già cô đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, người tàn tật và người cao tuổi, đảm bảo cuộc sống ổn định; thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người nghèo trên 3.000 đối tượng; có hơn 98% người dân được mua BHYT để khám chữa bệnh.

Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình điều hành, lãnh đạo ở địa phương, Chủ tịch UBND huyện Lê Hàn Phong, nói: Đạt được những thành tựu như trên là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc ở Ba Tơ. Các cấp ủy đảng quan tâm làm tốt công tác cán bộ, đánh giá, bố trí đúng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện thiếu trách nhiệm. Trong lãnh đạo, điều hành, luôn giữ vững nguyên tắc, phát huy dân chủ, gắn với giữ vững kỷ cương, tăng cường công tác chính trị tư tưởng; tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua để động viên kịp thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các đơn vị, cá nhân trong toàn huyện.

MINH TRIỀU
 


.