Chương trình 135: Vốn hỗ trợ phát triển sản xuất vẫn còn thấp

08:08, 16/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hỗ trợ phát triển sản xuất là hợp phần quan trọng, có tác động trực tiếp đến việc nâng cao thu nhập của các hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng Chương trình 135. Song, trên thực tế, nguồn vốn phân bổ cho hợp phần này vẫn còn quá thấp so với hợp phần cơ sở hạ tầng.

TIN LIÊN QUAN

Trong hai năm 2015 và 2016, tổng kế hoạch vốn được giao để thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh là 165 tỷ đồng. Trong đó, hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm đến 122 tỷ đồng, còn hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ 38 tỷ đồng.

Hộ dân được hỗ trợ bò theo Chương trình 135 ở xã Long Mai, Minh Long .
Hộ dân được hỗ trợ bò theo Chương trình 135 ở xã Long Mai, Minh Long .


Từ 19 tỷ đồng được phân bổ thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất trong năm 2015, các địa phương đã hỗ trợ cây trồng, vật nuôi cho gần 4.200 hộ dân. Nếu tính bình quân thì mỗi hộ dân được hỗ trợ không quá 5 triệu đồng cho hợp phần hỗ trợ sản xuất. Với nguồn kinh phí ít ỏi như thế, việc lựa chọn mô hình phù hợp, giúp người dân thoát nghèo gặp rất nhiều khó khăn.
 

Theo kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình 135 năm 2015 và 2016 của Ban Dân tộc vừa thực hiện tại 12 xã trên địa bàn 9 huyện Sơn Tây, Minh Long, Tây Trà, Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và Đức Phổ, đối với dự án hỗ trợ hợp phần phát triển sản xuất năm 2015, hầu hết các hộ dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi là bò sinh sản và keo giâm hom đều sinh trưởng, phát triển tốt. Còn các địa phương lựa chọn hỗ trợ bơ ghép, khóm, mít Thái Lan… phần vì cây trồng không phù hợp với điều kiện thời tiết tại địa phương, phần vì người dân không được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nên tỷ lệ sống không cao.

Tại xã Trà Khê (Tây Trà), trong năm 2015, từ nguồn vốn giao cho dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là 321 triệu đồng, UBND xã đã thực hiện hỗ trợ 16.456 cây sưa cho 186 hộ dân thụ hưởng. Nghĩa là bình quân mỗi hộ chỉ được hỗ trợ chưa đến 2 triệu đồng để phát triển sản xuất và số cây sưa giống được cấp chỉ khoảng 88 cây.

Tại xã Trà Tân (Trà Bồng), trong khi dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được phân bổ khoảng 333 triệu đồng thì, dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng được giao vốn là 1,1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được giao, UBND xã Trà Tân đã hỗ trợ 4.748 cây bơ ghép cho 232 hộ thụ hưởng, còn lại 116 triệu đồng, tiếp tục thực hiện cấp cây giống khác cho các hộ thụ hưởng. Vậy là với cây giống bơ ghép, mỗi hộ dân chỉ được nhận khoảng 20 cây.

Nguồn kinh phí ít ỏi dẫn đến số hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi từ Chương trình 135 vẫn còn quá thấp. Như tại xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành), từ 100 triệu đồng được phân bổ để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân năm 2015, UBND xã Hành Tín Đông chỉ hỗ trợ được cho 10 hộ dân mua bò cái sinh sản. Đồng thời, không hỗ trợ theo kiểu “cho không”, 10 hộ dân được hỗ trợ vốn mua bò (10 triệu đồng/hộ) cam kết sau 3 năm sẽ xoay vòng lại đồng vốn cho các hộ nghèo khác vay mượn.

“Đây là cách mà địa phương áp dụng để tăng cường trách nhiệm của những hộ dân đối với mô hình được hỗ trợ. Đồng thời, giúp nguồn vốn hỗ trợ hợp phần sản xuất được xoay vòng cho nhiều hộ cùng thụ hưởng”, ông Đào Thanh Công - Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông chia sẻ.

Còn tại xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), với kế hoạch vốn giao cho dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ 50 triệu đồng, nhưng hầu hết người dân thuộc diện hỗ trợ đều mong muốn được hỗ trợ bò cái sinh sản nên trong năm vừa qua, địa phương chỉ thực hiện hỗ trợ mua 5 con bò cái sinh sản cho 5 hộ dân.

“Với nguồn kinh phí ít ỏi trên, địa phương phải vận động người dân góp thêm tiền mới mua được bò giống chất lượng. Chứ với 10 triệu đồng/hộ, khó có thể đảm bảo mua được bò giống tốt”, ông Huỳnh Văn Quyết - Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang cho biết.

Bài, ảnh: Ý THU



 


.