Thực hiện Chương trình 135: Nhiều xã "chào thua" với các tiêu chí khó

02:12, 06/12/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có xã nào hoàn thành mục tiêu của chương trình.  Các tiêu chí như thu nhập, giao thông, y tế, thủy lợi, công trình hạ tầng giáo dục – văn hóa… đều là các tiêu chí nan giải, khó thực hiện.

TIN LIÊN QUAN

Ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng: “Để nâng cao thu nhập cho người dân, thì phải đẩy mạnh thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất mới chỉ chú trọng đến cấp phát cây, con giống cho người dân, nhưng chưa thực hiện được việc liên kết với doanh nghiệp, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm  nông nghiệp làm ra. Đây là một khiếm khuyết rất lớn”.

Nan giải với tiêu chí thu nhập

Chương trình 135 và các chương trình, chính sách khác của Đảng và Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 đã tạo được những thay đổi căn bản về đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số; song bài toán nâng cao thu nhập cho người dân vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo đó, mục tiêu về thu nhập bình quân đầu người tại các xã được thụ hưởng Chương trình 135 đến năm 2015 phải đạt 50% mức bình quân chung khu vực nông thôn của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay chỉ số này của tỉnh chỉ đạt khoảng 35%.

Đơn cử như huyện Minh Long, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người là 8 triệu đồng/năm, thì đến năm 2015, sau 5 năm thực hiện Chương trình 135, chỉ số trên chỉ tăng lên 1 triệu đồng, thành 9 triệu đồng/năm. Còn tại huyện Sơn Tây, từ năm 2011 – 2015, thu nhập bình quân đầu người của người dân dù tăng lên gần 3 triệu đồng, nhưng cũng chỉ ở khoảng 7 triệu đồng/năm, vẫn còn quá thấp so với mặt bằng chung của khu vực nông thôn cả nước.

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, ông Đào Minh Hường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng: Nếu chỉ dừng lại ở việc cấp phát cây, con giống, hỗ trợ mô hình, nhưng lại không tăng cường tập huấn cho người dân phương thức nuôi, trồng thì các mô hình rất khó thành công. Các giải pháp tư vấn cho người dân, xem xét điều kiện sống và năng lực của từng hộ dân để hỗ trợ “đúng’’, “trúng” vẫn còn bị xem nhẹ… là những  khúc mắc, ảnh hưởng rất lớn đến công tác nâng cao thu nhập, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững.

Đường đến “đích” còn xa

Tỷ lệ thôn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 có đường giao thông đạt chuẩn mới chỉ đạt 8%, trong khi mục tiêu đề ra là 50%. Trong ảnh: Cung đường “nham nhở” tại thôn Đông, xã Trà Khê (Tây Trà).
Tỷ lệ thôn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 có đường giao thông đạt chuẩn mới chỉ đạt 8%, trong khi mục tiêu đề ra là 50%. Trong ảnh: Cung đường “nham nhở” tại thôn Đông, xã Trà Khê (Tây Trà).


Ngoài bài toán nâng cao thu nhập, hàng loạt tiêu chí khác như giao thông, thủy lợi, y tế, hạ tầng giáo dục, văn hóa… mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư, xây dựng, nhưng tỷ lệ thực hiện của các xã được thụ hưởng Chương trình 135 còn cách quá xa so với mục tiêu đề ra.

Cụ thể, về giao thông, từ nguồn vốn được phân bổ, 56 xã, 45 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 272 công trình, làm cứng hóa và nâng cấp hơn 147km đường giao thông từ xã về thôn. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu chung của chương trình là đến năm 2015,  85% số thôn có đường xe cơ giới, trong đó có 35% số xã và 50% số thôn có đường giao thông đạt chuẩn, thì thực tế chỉ số này của tỉnh tương ứng ở cấp xã chỉ mới đạt 19,6% và thôn là 8%. Còn về y tế, mặc dù mục tiêu là đến năm 2015, phải có trên 50% trạm y tế được chuẩn hóa nhưng hiện nay, chỉ số này của tỉnh chỉ đạt chưa đến 27%.

Kiến nghị giải pháp để các địa phương “bắt nhịp” kịp về chỉ tiêu về hạ tầng so với cả nước, ông Nguyễn Xuân Bắc- Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho rằng, nguồn vốn phân bổ cho các xã, đặc biệt là vốn đầu tư công trình, dự án còn quá thấp. Trong khi đó, việc xây dựng công trình tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn lại vướng phải nhiều khó khăn về vốn, về thời gian, tiến độ… Hơn nữa, kinh phí hỗ trợ của Trung ương, việc triển khai thực hiện các nguồn vốn của chương trình, dự án còn chậm; do đó, việc hoàn thành kế hoạch của chương trình, đề án kéo dài. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tăng định mức vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, đồng thời phải phân bổ vốn sớm để thuận lợi cho việc thực hiện và giải ngân ở cơ sở.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.