(Báo Quảng Ngãi)- Hàng ngàn khối cát trắng được hút từ khu vực ven bờ biển phục vụ sản xuất nông nghiệp hằng năm, khiến bờ biển Lý Sơn bị tác động bởi nạn xâm thực, nhiễm mặn và tác động xấu đến môi trường biển ven bờ. Thực trạng đó đã và đang là thách thức cho việc phát triển nông nghiệp bền vững ở Lý Sơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thời điểm này, nông dân Lý Sơn đang cải tạo đất để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Cách cải tạo là dùng loại cát san hô ven bờ biển để trải trên mặt ruộng. Vì thế, gần chục bãi cát ở khu vực vũng neo trú tàu thuyền An Hải luôn có hàng trăm lượt xe tải đến lấy cát chở đi khắp các cánh đồng.
Ngày càng “teo tóp”
Ông Lê Văn Đôi - Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lý Sơn cho biết: Trung bình người dân sử dụng khoảng 7 khối cát trắng/sào/năm để cải tạo ruộng. Như vậy, với gần 350ha đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện thì, lượng cát trắng khai thác hằng năm khoảng 50 nghìn khối, phần lớn được lấy từ khu vực bờ biển quanh đảo. Việc hút cát ven bờ với khối lượng lớn như vậy dẫn đến tình trạng sạt lở, nước mặn xâm nhập sâu trong bờ và các rạn san hô ven bờ bị phá hủy.
Mỗi năm, ngành nông nghiệp Lý Sơn phải cần đến 50 nghìn khối cát trắng để phục vụ sản xuất hành, tỏi. |
Tại Hội thảo Khoa học "Định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn" tháng 10.2014, các nhà khoa học đã nêu ra một vấn đề đáng lo ngại là, trong vòng 40 năm qua, Lý Sơn bị thu hẹp 1km2 , bằng 1/10 tổng diện tích của đảo, do nạn xâm thực của biển.
Những năm gần đây, Lý Sơn bị xâm thực khoảng 100 ha đất. Những năm qua, Lý Sơn cũng đã xây dựng bờ kè chống sạt lở. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần phải bồi đắp thêm cho đảo bằng cát nhiễm mặn. Điều đó, đồng nghĩa với việc không thể khai thác cát trắng ven bờ để phục vụ trồng hành, tỏi, tạo nên áp lực và thách thức đối với sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn.
Cần giải pháp cấp bách
Để hạn chế nạn xâm thực bờ biển, những năm qua, Lý Sơn đã được đầu tư xây dựng hàng chục kilômét bờ kè ven đảo để chống sạt lở. Cùng với đó là thử nghiệm các mô hình trồng hành, tỏi không dùng cát trắng như phương pháp trồng truyền thống. Tuy nhiên, người dân Lý Sơn cho rằng, cách làm này chưa có hiệu quả.
Ông Võ Xuân Bình, ở KDC số 2, thôn Đông, xã An Vĩnh, cho biết: Sử dụng đất thịt để trồng, khi tưới nước thấm xuống gốc tỏi rất hạn chế so với dùng cát nên năng suất, chất lượng tỏi không cao. Do vậy, chưa thể áp dụng nhân rộng mô hình này. Trước thực trạng đó, ông Bình hiến kế: Nếu trồng hành, tỏi trên đất thịt thì cần dùng rơm để lót bên dưới, tạo độ tơi xốp cho đất, nước thấm tốt hơn thì cây trồng mới phát triển được.
Cũng theo ông Bình, việc trồng hành tỏi theo phương pháp truyền thống mất khoản chi phí thay cát khá lớn. Chẳng hạn thời điểm này, tiền mua cát, thuê người cải tạo ruộng khoảng 2 triệu đồng/sào. Nếu không dùng cát thì sẽ giảm được khoảng chi phí này, đồng thời nguồn cát ven đảo không bị khai thác, tạo sự an toàn cho bờ biển.
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho rằng, việc phát triển bền vững nông nghiệp Lý Sơn đã đến lúc phải quyết tâm thực hiện ngay từ bây giờ. Tại cuộc họp HĐND tỉnh mới đây, bà Hương đã đề xuất Nhà nước cần quan tâm, giúp Lý Sơn nghiên cứu một giải pháp tối ưu, nhằm hạn chế việc dùng cát trắng để sản xuất hành tỏi như lâu nay.
Phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp ở Lý Sơn hiện nay đang là vấn đề bức thiết, đặc biệt là trong giai đoạn biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp và ngày càng mạnh mẽ đối với đảo.