(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn, nhất là nhà văn hóa và khu thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện thân thể, hưởng thụ tinh thần cho nhân dân là cần thiết. Song, vấn đề đặt ra là các địa phương làm thế nào để tận dụng, phát huy hiệu quả các công trình, hạng mục trên hay chỉ xây dựng để hoàn thành tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhà văn hóa, khu thể thao: Khó tổ chức hoạt động
Đó là ý kiến của các địa phương trong tỉnh. Theo đó, trong bộ tiêu chí NTM thì ở các xã đều phải có nhà văn hóa (NVH) diện tích trên 1.000m2 và khu thể thao (KTT) với quy mô diện tích trên 10 nghìn m2. Kinh phí đầu tư xây dựng hai hạng mục trên từ 4 – 6 tỷ đồng. Tốn kém là thế, nhưng không ít NVH lại rơi vào cảnh cửa đóng then cài, còn KTT sinh hoạt cộng đồng thì cỏ dại phủ kín. Lý giải thực trạng này, lãnh đạo một số địa phương cho rằng NVH hiện chỉ có đài truyền thanh hoạt động vào lúc sáng sớm, còn thì khi nào xã có sự kiện gì lớn mới trưng dụng.
Người dân hóng mát tại sân thể thao thôn Đông Yên 1. |
Tuy nhiên qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy ngay cả sự kiện trọng đại là Đại hội Đảng bộ, nhiều xã cũng lựa chọn Hội trường UBND (dù Đảng bộ có số đảng viên dưới 200 người) chứ không tổ chức tại NVH dù ở đây, hội trường rộng trên 200 chỗ ngồi. Riêng sân vận động thì mỗi năm chỉ được sử dụng vài lần để tổ chức biểu diễn văn nghệ hay đá bóng, hoặc cho các đoàn ca múa nhạc thuê, còn lại cũng đóng cửa.
Đó là chưa kể NVH và KTT được xây dựng trên những khu đất “vàng”, nằm ngay trung tâm xã nhưng lại đìu hiu, vắng vẻ sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người dân. Bởi sự có mặt các công trình trên là nhờ công sức và tiền của nhân dân đóng góp xây dựng. Trước thực trạng này, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh Dương Văn Tô đề nghị: “Các địa phương cần chú trọng công tác quản lý, sử dụng để nâng cao hiệu quả các công trình hạ tầng dân sinh, đặc biệt là NVH và KTT xã, thôn”.
Câu lạc bộ các xã NTM, tại sao không?
Trong khi các địa phương loay hoay tìm hoạt động cho NVH và KTT xã, thôn thì tại xã Bình Dương, các điểm này thường có rất nhiều người dân – nhất là người già và trẻ em tìm đến. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, ngoài việc trang bị cơ sở vật chất bên trong thì lãnh đạo xã, thôn cũng chú trọng trang hoàng phía ngoài bằng cách trồng cây bóng mát và đặt thêm ghế đá. Sự bài trí rất đơn giản này hóa ra lại có tác dụng lớn. Đó là những lúc trưa và chiều tối, người dân thường đến đây để hóng mát, vui chơi và hàn huyên tâm sự.
Ấy nên khi về các thôn như Đông Yên 1, Đông Yên 2, Mỹ Huệ 1... chẳng khó để bắt gặp hình ảnh mộc mạc, dân dã thân thương: Trên sân thể thao, đám thanh niên hò hét với các trận đấu bóng chuyền, cầu lông; còn chị em phụ nữ cũng rôm rả với bài tập thể dục. Dưới gốc cây xum xuê bóng mát và trên ghế đá NVH là “sân chơi” của các cụ già với bàn cờ tướng, ấm trà nóng; còn đám trẻ con tụm năm tụm bảy chơi trò bắn bi, oẳn tù tì... Thế nên ông Võ Văn Sao, thôn Mỹ Huệ 1 mới bảo rằng: “Lớp già chúng tôi có bao giờ tới mấy quán cà phê cà pháo gì đâu. Cứ chiều xong việc đồng áng là tới đây uống chén trà nóng, nói đôi ba câu chuyện, hỏi thăm tình hình lúa, ớt rồi về nhà nghỉ ngơi. Thế mà vui, lâu không đến là nhớ”. Cách làm của chính quyền xã Bình Dương đáng để các địa phương khác trong tỉnh học hỏi, thực hiện.
Trong những lần kiểm tra các xã đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Chương trình NTM tỉnh Phạm Trường Thọ thường nhấn mạnh: “Những xã đạt chuẩn NTM phải thể hiện mình “mới” hơn các địa phương khác. Đặc biệt là trong việc phát huy hiệu quả các công trình dân sinh cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân”. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đề xuất các địa phương đạt chuẩn NTM nên thành lập “Câu lạc bộ xã NTM” để thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình.
Bài, ảnh: MỸ HOA