Xây dựng nông thôn mới: Về đích vẫn lo

01:08, 19/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phấn đấu để cán đích nông thôn mới đúng lộ trình đã khó, nhưng để duy trì danh hiệu “xã nông thôn mới” lại càng khó hơn, bởi một số tiêu chí sẽ bị biến động do phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.  

TIN LIÊN QUAN

Trong khi nhiều xã vẫn còn “trầy trật” trong xây dựng nông thôn mới (NTM) thì một số xã đã đạt chuẩn lại lo cho quá trình “trụ hạng”.

 Nỗ lực cán đích

Để hoàn thành 17/19 tiêu chí NTM, xã Phổ Vinh (Đức Phổ) đã tranh thủ sự đồng thuận, đóng góp của nhân dân và cộng đồng. Theo đó, ngoài  hơn 47,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và xã thì địa phương còn huy động được trên 4,5 tỷ đồng từ doanh nghiệp và nhân dân để sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ xã, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cũng như bê tông các tuyến đường giao thông… Nhờ vậy, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn xã Phổ Vinh không ngừng đổi thay. Đường làng ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang, tiện nghi, cơ sở vật chất văn hóa hoàn thiện…

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra mô hình kinh tế của ông Nguyễn Văn Dủ, thôn Đông Thổ, xã Phổ Vinh (Đức Phổ).                                                          Ảnh: Mỹ Hoa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra mô hình kinh tế của ông Nguyễn Văn Dủ, thôn Đông Thổ, xã Phổ Vinh (Đức Phổ). Ảnh: Mỹ Hoa


Chủ tịch UBND xã Phổ Vinh Tô Văn Hoàng khẳng định, phong trào xây dựng NTM đã thay đổi ý thức lẫn cuộc sống của người dân. Vì thế, dù còn khó khăn nhưng chính quyền và nhân dân sẽ cố gắng hoàn thiện hai tiêu chí giao thông và trường học để kịp cán đích NTM vào cuối năm 2015.

Còn tại xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), chính quyền và người dân địa phương cũng không giấu được niềm vui khi đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào tháng 9 năm nay. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Nguyễn Tấn Bảy thì cái được của địa phương không chỉ là việc về đích NTM đúng lộ trình, mà ở sự đổi thay của một làng quê miền trung du. Từ nhà cửa đến đường sá, từ hình thức đến ý thức tổ chức sản xuất, từ đời sống vật chất đến tinh thần của người dân… tất cả đều được cải thiện và nâng cao, nếu không muốn nói là đột phá. Chẳng thế mà ông Trần Bày, ngụ thôn Mỹ Hưng, xã Hành Thịnh nói rằng: “Từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân trong xã đoàn kết, chia sẻ, cảm thông và nhường nhịn nhau hơn. Bởi nếu không như thế thì làm gì đường sá, ruộng vườn rộng ra, rồi công trình nọ kia được xây dựng”.  
 
Lo duy trì danh hiệu


Xen với niềm vui cán đích NTM thì chính quyền các địa phương cũng lo lắng với việc duy trì danh hiệu. Lý giải sự lo xa này, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Nguyễn Tấn Bảy cho biết, dù hiện giờ mức thu nhập bình quân của người dân đạt trên 23 triệu đồng/người/năm nhưng không ai dám chắc những năm sau, con số này được duy trì. Nguyên nhân là nguồn thu nhập chính của người dân xã Hành Thịnh đến từ chăn nuôi và lâm nghiệp. “Trong hai ngành này thì chỉ lâm nghiệp là bền vững, còn chăn nuôi tuy có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhưng lại chịu sự chi phối quá lớn từ thị trường. Thu nhập của nông dân vì thế cũng sẽ không ổn định”, ông Nguyễn Tấn Bảy lo lắng.  

Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho nông dân.


Với xã Hành Minh (Nghĩa Hành), thu nhập của người dân được đánh giá là bền vững. Đó là nhờ sự phát triển của dịch vụ vận tải. Ngoài ra, người dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại, gia trại. Cùng với đó, Nhà máy Gạch Tuynel Phú Điền đã đi vào hoạt động, sắp tới là Công ty May Vinatex, đã và sẽ góp phần rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề tại địa phương. Tuy nhiên, “Hành Minh cũng chưa thể yên tâm, vì năm nay tiêu chí thu nhập chỉ cần 23 triệu đồng/người/năm là đạt. Nhưng muốn duy trì được danh hiệu xã NTM thì phải tăng con số này qua từng năm nên cũng khó”-Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh Phan Duy Trinh cho hay.

Lo lắng thế nhưng các địa phương tin tưởng rằng đã phấn đấu đạt xã NTM thì ắt sẽ có cách giữ danh hiệu, dù khó. Đó là tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo điều kiện về mặt bằng, lao động để thu hút các doanh nghiệp về địa phương, tập trung phát triển sản xuất theo quy mô lớn. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, “không phải được công nhận xã NTM là xong. Mà các địa phương phải làm sao để NTM thật sự “mới”, nhất là cuộc sống của người dân. Do đó, các địa phương phải năng động trong việc chuyển đổi ngành nghề, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, cũng như mở rộng và liên kết trong sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”.

Bài, ảnh: MỸ HOA  
 


.