(Báo Quảng Ngãi)- Huyện đảo Lý Sơn-quê hương của đội Hùng binh Hoàng Sa thuở trước hôm nay đã đổi thay nhiều mặt. Điện – đường – trường – trạm – bến cảng đang ngày được quan tâm đầu tư hoàn thiện. Nhiều cơ chế chính sách dành cho Lý Sơn như những làn gió mới với kỳ vọng đưa hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc phát triển xứng tầm với vị trí chiến lược, với tình yêu và lòng tự hào của người dân cả nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. |
Chưa bao giờ huyện đảo Lý Sơn được cả nước quan tâm như hiện nay. Đó là thời cơ, song cũng là thách thức đối với chính quyền và hơn 22.000 cư dân của hòn đảo này. Nắm bắt, hành động để không qua đi những cơ hội vàng ấy đang đòi hỏi cả huyện đảo phải nỗ lực hết mình để có thể dựng xây Lý Sơn trở thành pháo đài mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh; đồng thời thân thiện và an toàn cho mỗi bước chân du khách khi về với đảo…
Năm “đặc biệt”
Năm 2014 được xem là năm “đặc biệt” của việc xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách cho huyện đảo Lý Sơn. Cụ thể là việc Chính phủ đầu tư hơn 650 tỷ đồng thực hiện “Dự án cấp điện cho đảo Lý Sơn bằng hệ thống cáp ngầm” và tổ chức Hội thảo quốc gia về định hướng phát triển và cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn.
Sự kiện đảo Lý Sơn chính thức có điện lưới quốc gia từ ngày 28.9.2014 đã trở thành sự kiện lớn trong năm của tỉnh và quốc gia. Đó là niềm vui mà các vị cao niên ở hòn đảo này bảo rằng: “Nhứt hạng, không có gì bằng”. Còn bà Phạm Thị Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thì quả quyết rằng: “Có điện quốc gia, Lý Sơn sẽ có động lực to lớn để phát triển toàn diện các mặt đời sống và kinh tế - xã hội”.
Câu chuyện “điện của đảo Lý Sơn” khá dài. Từ tháng 7.1999, hai xã An Hải và An Vĩnh của Lý Sơn được dùng điện luân phiên nên đêm có, đêm không, mỗi đêm có điện từ 4 đến 5 giờ. Ðầu năm 2012, điện được cấp 6 giờ/ngày. Tuy nhiên, vì chạy bằng dầu diesel nên giá thành sản xuất điện rất cao, trong khi giá bán điện được khống chế, dẫn đến hằng năm ngân sách và ngành điện phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng, nhưng điện chỉ đủ dùng cho sinh hoạt, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, sản xuất, du lịch, an ninh quốc phòng trên đảo.
Việc dòng điện quốc gia về đảo Lý Sơn là một sự kiện vô cùng ý nghĩa, tác động trực tiếp đến đời sống của từng hộ dân trên đảo. “Có điện quốc gia, tất cả những rào cản trong phát triển kinh tế huyện đảo dường như đã được tháo gỡ”, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định.
Ngay sau khi có điện quốc gia, tại Quảng Ngãi đã diễn ra Hội thảo quốc gia về định hướng phát triển và cơ chế, chính sách cho huyện đảo Lý Sơn. Điều này khẳng định yêu cầu phát triển Lý Sơn toàn diện đã đến lúc được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Thế mạnh của Lý Sơn đã rõ, song những thách thức khó khăn không hề nhỏ, đó là cơ sở hạ tầng chưa tương xứng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, dân trí thấp, lao động chưa có việc làm còn nhiều... Chủ tịch UBND tỉnh đã kiến nghị tại Hội thảo này về một số cơ chế, chính sách phát triển toàn diện, gồm: Cơ chế đất đai, tín dụng, đào tạo nghề, thu hút nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện tại, cơ chế, chính sách ấy chưa được chính thức ban hành, song những vấn đề này của tỉnh và huyện Lý Sơn kiến nghị đã nhận được sự đồng tình cao của các nhà khoa học, nhà kinh tế và chủ trì hội thảo này.
Hành động với quyết tâm cao
Về sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc nắm bắt, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo một cách hiệu quả, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Thanh cho biết: “Chúng tôi mong đợi từng ngày cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện đảo. Tất nhiên là trong tư thế chủ động, sẵn sàng hành động với quyết tâm cao”.
Huyện Lý Sơn đã hoạch định chiến lược, xây dựng lộ trình để phát triển toàn diện huyện đảo. Trong đó, ưu tiên lập quy hoạch tổng thể, trong đó bao gồm quy hoạch vùng, quy hoạch dân cư, quy hoạch phân khu trung tâm huyện, tránh tình trạng phá vỡ, xé lẻ khi xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội huyện đảo.
Tại buổi làm việc tổng kết công tác năm 2014, định hướng năm 2015 với huyện Lý Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ đồng tình với quan điểm này của lãnh đạo huyện Lý Sơn. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ nhấn mạnh: “Phải khẩn trương xây dựng quy hoạch toàn bộ diện tích huyện đảo. Có quy hoạch rồi mới tính đến chuyện thực hiện chiến lược phát triển huyện Lý Sơn”. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng phối hợp với huyện Lý Sơn nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh, có thể sẽ thuê tư vấn của Singapore thực hiện quy hoạch này.
Điều quan tâm thứ hai sau công tác lập quy hoạch theo Bí thư Huyện ủy Lý Sơn đó là lĩnh vực giao thông. Theo đó, phải làm sao đó cho giao thông giữa đất liền với đảo thực sự thuận lợi, để nhân dân và khách du lịch an tâm, an toàn, thoải mái khi ra vào đảo. Cụ thể là phát triển đội tàu theo cơ chế, chính sách khai thác tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại một cách hài hòa.
Ngoài ra, Lý Sơn kiến nghị đầu tư xây dựng cảng Bến Đình. Vì hiện tại Lý Sơn mới chỉ có cảng cá, chưa có cảng hành khách để đảm bảo việc đi lại an toàn, thuận tiện. Việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường trung tâm huyện ở Lý Sơn cũng khá cấp thiết, vì hiện nay tuyến đường này quá xuống cấp. Hoàn thiện con đường này còn là đòi hỏi khi thực hiện đô thị hóa Lý Sơn trong tương lai, tiến đến Lý Sơn có “phố” trên đảo.
Về định hướng phát triển kinh tế, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn khẳng định, mũi nhọn vẫn là kinh tế biển, trong đó gắn khai thác, chế biến, nuôi trồng với nhau; đồng thời khẩn trương hoàn thiện hạ tầng và hậu cần nghề cá. Tiềm năng và cũng là thế mạnh khác mà huyện đảo Lý Sơn sẽ quyết tâm thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2015 đó là phát triển du lịch biển đảo. Sản phẩm du lịch đặc thù sẽ được huyện Lý Sơn quyết tâm thực hiện đó là du lịch lịch sử và du lịch gắn với nghề sản xuất hành tỏi nổi tiếng của huyện đảo...
Chủ động nắm bắt thời cơ
Ngoài cơ chế, chính sách đặc thù khi chính thức ban hành và đưa vào thực hiện, Lý Sơn cần có thêm những quan tâm khác để tạo sự đồng bộ khi phát triển toàn diện. Đó là bảo vệ môi trường, đặc biệt là di dời hơn 6.000 mồ mả hiện đang nằm rải rác trong vườn, cạnh nhà dân vào nghĩa địa một cách quy củ, với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Chuyện trồng rừng để cải tạo cảnh quan môi trường, tạo vành đai xanh cho đảo tiền tiêu cũng là sự mong mỏi từng ngày ở hòn đảo này.
Nghề trồng hành, tỏi sẽ được Lý Sơn xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của đảo. Ảnh: T.N |
Quan điểm của các nhà khoa học, nhà kinh tế học tại Hội thảo quốc gia về định hướng và cơ chế, chính sách phát triển huyện đảo Lý Sơn đồng tình với việc phát triển đảo Lý Sơn phải gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, để đảo tiền tiêu là đảo xanh – đảo ngọc – pháo đài vững chắc thì đảo phải có rừng. Trồng rừng và bảo vệ rừng ở Lý Sơn như thế nào là chuyện của chính quyền, của nhà khoa học địa phương dưới sự quan tâm đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn.
Ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội thảo quốc gia này cũng cho rằng: Trước mắt là đầu tư cho Lý Sơn các dự án cảng Bến Đình, nhà ở phòng chống được bão lớn, hỗ trợ đóng tàu bằng vỏ sắt, cơ sở chế biến hải sản, xây dựng khu bảo tồn sinh thái ven bờ biển đảo Lý Sơn, xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, đường cơ động Đông Nam đảo giai đoạn II, vũng neo đậu tàu thuyền giai đoạn II… Đối với Lý Sơn, đã đầu tư phải tính đến đặc thù. Từ đầu tư đánh bắt, chế biển hải sản, phát triển nghề trồng hành tỏi, trồng cây xanh trên đảo cũng đều có đặc thù riêng. Phó Thủ tướng cho rằng, nếu cứ triển khai thực hiện theo cách đại trà thì khó lòng mang lại kết quả như mong muốn.
“Khi có cơ chế rồi phải chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kịp thời. Nguồn lực phải tập trung vào đầu tư kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực, kể cả đào tạo nâng cao nhận thức cho người dân. Tất cả phải quyết tâm để xây dựng Lý Sơn đạt được mong mỏi của nhân dân cả nước là mạnh về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thanh Nhị