Lý Sơn- Điểm đến của di sản đặc biệt

10:10, 01/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn - quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, hòn đảo tiền tiêu có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Đến với Lý Sơn là đến với một quần thể di tích thắng cảnh thiên nhiên và di sản văn hóa khá độc đáo, hiếm nơi nào ở nước ta có được.

TIN LIÊN QUAN

Khám phá nét độc đáo

Thạc sĩ Nguyễn Văn Lâm- chuyên ngành khảo cổ học dưới nước tỏ ra ngạc nhiên và vô cùng thú vị khi lần đầu đặt chân ra đảo Lý Sơn.  Anh chia sẻ: Nếu được quy hoạch, đầu tư bảo tồn, khai thác hợp lý thì nơi đây không thua gì hòn đảo Jeju nổi tiếng của Hàn Quốc. Bởi theo anh Lâm, Lý Sơn được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan độc đáo bởi hoạt động phun trào núi lửa cách đây khoảng 250-300 triệu năm. Ngọn núi Thới Lới và Giếng Tiền là hai họng núi lửa khổng lồ. Cùng với đó là những hang động tuyệt đẹp như hang Câu, chùa Hang, cổng Tò Vò… tạo nên điểm nhấn khá đặc biệt cho Lý Sơn. “Đặc biệt, qua khảo sát bước đầu chúng tôi nhận thấy có vết tích của 2 con tàu cổ đắm và một cổng tò vò kỳ vĩ dưới đáy biển khu vực quanh đảo Bé”, anh Lâm nhấn mạnh.

 

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.                                     Ảnh: PHÚ ĐỨC
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Ảnh: PHÚ ĐỨC


Đảo Lý Sơn tuy rộng khoảng 10 km2 và có 70% diện tích là địa hình của núi lửa nhưng lại có đến khoảng 50 di tích văn hóa, lịch sử. Trong đó có 4 di tích được công nhận là di sản văn hóa cấp Quốc gia, gồm: Chùa Hang, đình làng An Hải, đình làng An Vĩnh và Âm Linh Tự; có 6 di tích là di sản văn hóa cấp tỉnh, gồm: Di Tam Hòa, đền thờ cá ông Lân Chánh, lăng cá Ông Đông Hải, điện thờ Y A Na, mộ và đền thờ Võ Khiết, nhà thờ Phạm Quang Ánh và 23 di tích tín ngưỡng và một số di tích khác.

Anh Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, nét độc đáo của hòn đảo này còn được thể hiện qua những ngôi nhà cổ của các họ tộc được xây dựng từ những năm đầu khi các vị tiền hiền ra đảo khai khẩn đất đai, mở làng lập ấp. Một hệ thống văn hóa phi vật thể truyền thống rất đặc trưng mang đậm dấu ấn lễ hội dân gian, tiêu biểu như lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền, hội dồi bóng... Nơi này còn có nhiều sản vật nổi tiếng, như hành tỏi, rau câu, hải sâm, nhum biển, ốc biển...; là cửa ngõ tiền tiêu của Tổ quốc, nên chiếm một vị trí quan trọng trong tâm niệm của người Việt Nam. Đây cũng chính là lực hút để Lý Sơn phát triển mạnh ngành du lịch, trở thành điểm đến độc đáo, lý tưởng cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm cuộc sống gắn với văn hóa, lịch sử, thiên nhiên...
 

“Nếu như Hội An (Quảng Nam) có phố cổ như một bảo tàng sống về diện mạo thị cảng cổ thì ở Lý Sơn hệ thống nhà cổ truyền thống rất độc đáo của một làng chài cổ rất xứng đáng được bảo tồn, tôn tạo phục vụ cho việc tìm hiểu một dạng văn hóa truyền thống của người Việt và giới thiệu rộng rãi cho khách tham quan du lịch trong và ngoài nước” - PGS, TS Chử Văn Tần, nói.

Giữ lấy bản sắc Lý Sơn

Sự phong phú về phong cảnh thiên nhiên và đa dạng về di sản lịch sử, văn hóa đã tạo nên một bản sắc Lý Sơn rất riêng, hiếm một nơi nào ở nước ta có được. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch sinh thái- một loại hình du lịch mới đang hút khách quốc tế. Người hưởng lợi của loại hình này chính là cộng đồng dân cư, nên họ sẵn lòng chung sức bảo tồn, phát huy những di sản thiên nhiên, di sản văn hóa của địa phương. Loại hình du lịch này cũng đã manh nha phát triển ở Lý Sơn, song do sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nhận thức của người dân địa phương còn hạn chế, dẫn đến Lý Sơn trở nên quá tải và chưa thật sự hấp dẫn du khách.

Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lý Sơn.
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Lý Sơn.


“Theo tôi, hiện đại hóa Lý Sơn để phát triển du lịch là cần thiết. Song, để làm được điều đó tỉnh cần phải điều tra, quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết để làm cơ sở quản lý và thu hút các nhà đầu tư. Trong quá trình xây dựng phải đặc biệt quan tâm giữ lấy bản sắc của Lý Sơn, đó là sự hoang sơ, gần gũi với cuộc sống thường ngày, nhằm bảo tồn và tôn vinh các giá trị cảnh quan của biển, đảo Lý Sơn, tránh biến hòn đảo tiền tiêu này trở thành một khối bê tông khổng lồ, án ngự giữa biển”, anh Nguyễn Văn Lâm, gợi mở.

Còn với thạc sĩ Đoàn Sung- Chủ tịch HĐQT Công ty CP ĐTPT Đoàn Ánh Dương cho rằng, để Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế thì việc làm cấp thiết ngay từ bây giờ là lập hồ sơ công nhận quần thể huyện đảo Lý Sơn là Di sản thắng cảnh thiên nhiên, văn hóa cấp quốc gia đặc biệt. Đồng thời tiến tới lập hồ sơ đề nghị vùng biển Vũng Tàu (Bình Châu- Bình Sơn)- nghĩa địa tàu cổ là Di sản văn hóa biển cấp quốc gia và tiến đến là trình lên UNESCO xin công nhận di sản thế giới.

Đây là bước đệm thú vị mà du khách có thể lặn biển ngắm tàu cổ trước khi đặt chân lên đảo Lý Sơn. Nếu chọn Lý Sơn là điểm đến thì có thể kết nối và hình thành các tuyến du lịch, như: Mỹ Khê- Lý Sơn, Bình Châu- Lý Sơn, Dung Quất- Lý Sơn, Sa Huỳnh – Lý Sơn; kết nối với Cù Lao Chàm (Quảng Nam)…Và để hấp dẫn hơn các nhà đầu tư và biến Lý Sơn thành đảo du lịch trọng điểm quốc gia, nên chăng cho Lý Sơn thực hiện cơ chế đảo phi thuế quan, miễn thuế thu nhập...

Du khách tham quan chùa Đục (Lý Sơn).
Du khách tham quan chùa Đục (Lý Sơn).


Được biết, trung tuần tháng 10 này, Công ty CP ĐTPT Đoàn Ánh Dương sẽ phối hợp tổ chức một Hội thảo quốc tế tại Quảng Ngãi, thu hút sự tham gia của hơn 40 nhà khảo cổ học dưới nước và các chuyên gia hàng đầu về di sản văn hóa biển trên toàn thế giới, để bàn vấn đề bảo quản xác tàu cổ 700 năm tuổi mà đơn vị  khai quật tại vùng biển Vũng Tàu và vấn đề khảo cổ học dưới nước tại Bình Châu. “Chúng tôi đang xúc tiến xin phép thành lập Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa biển đặt tại huyện Lý Sơn, nhằm phục vụ có hiệu quả hơn dự án đầu tư phát triển du lịch biển, đảo của doanh nghiệp, đã được tỉnh cho chủ trương”, ông Sung cho biết.

Hy vọng rằng, với những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo đó, cùng với những cơ chế chính sách mới được thực hiện, trong tương lai không xa, Lý Sơn- hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư du lịch, du khách trong và ngoài nước.


Bài, ảnh: Phú Đức


 


.