(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, trên thị trường Quảng Ngãi đã bắt đầu gia tăng tình trạng hàng giả và gian lận thương mại. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà hàng giả, gian lận thương mại còn có thể gây tổn thương tính mạng, sức khỏe, gây mất niềm tin của người tiêu dùng vào hàng chính hãng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Những vụ việc nổi cộm
Năm 2014, lực lượng chức năng Quảng Ngãi phát hiện hơn 20 vụ sản xuất hàng giả và gian lận thương mại, xử phạt hàng trăm triệu đồng. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn Quảng Ngãi, năm 2012, đã phát hiện 6 vụ hàng giả, gian lận thương mại, phạt tiền 4 vụ, hơn 120 triệu đồng, tịch thu toàn bộ hàng hóa; 2 vụ chuyển sang năm 2013 xác minh rõ, xử lý. Năm 2013, phát hiện 10 vụ vi phạm, phạt tiền hơn 130 triệu đồng. Trong đó có vụ xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa của Công ty may Việt Tiến (6 vụ); 120 chai nhớt giả nhãn hiệu Honda, 48 chai nhớt giả nhãn hiệu Yamaha và một số lượng lớn phụ tùng xe máy làm giả của hãng Honda Việt Nam.
Người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng hơn khi mua hàng, để tránh mua phải hàng giả. |
Đơn cử vụ việc Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra xe ô tô mang biển số 76-002.14 đang dừng bỏ hàng, trên xe vận chuyển dầu nhờn nhãn hiệu Honda loại 800ml/chai. Trong tổng số chai dầu nhờn này có 1.512 chai có dấu hiệu khác biệt so với sản phẩm cùng chủng loại dầu nhờn nhãn hiệu Honda của Công ty Honda Việt Nam đang lưu thông trên thị trường.
Toàn bộ số hàng này là của Công ty TNHH MTV TM Thành Tài Phát (TP.Quảng Ngãi) mua của Công ty TNHH MTV TM Đường Sông (TP.Hồ Chí Minh). Qua xác minh, lực lượng chức năng đã làm rõ loại dầu nhờn này là do Công ty Đường Sông làm giả nhãn hiệu dầu nhờn Honda Việt Nam. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Thành Tài Phát liên hệ với Công ty Đường Sông nhưng không liên lạc được. Vì vậy, Công ty Thành Tài Phát đã bị cơ quan thẩm quyền của tỉnh Quảng Ngãi xử phạt 100 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số dầu nhờn làm giả, tiêu hủy.
Đội quản lý thị trường số 3 kiểm tra phát hiện trong kho chứa hàng hóa của Công ty CP Thương mại – Tổng hợp Trầm Hương (Sơn Tịnh) có 51 lốc giấy vệ sinh giả mạo nhãn hiệu giấy vệ sinh An An đã được bảo hộ của Công ty New Toyo PULPPY (Việt Nam). Công ty này đã bị phạt 15 triệu đồng và yêu cầu xé bỏ bao bì giấy vệ sinh nhãn hiệu An An bị làm giả. Vụ Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện nhân viên lái xe Công ty CP Xây lắp Tuy Phước (TP.Quy Nhơn – Bình Định) điều kiển xe chở sản phẩm dầu khí trong đó có 6 vỉ chai LPG của TT-GAS bị cải tạo, mài mòn thay đổi nhãn hiệu; 8 vỏ chai không rõ xuất xứ đã bị cải tạo thành nhãn hiệu PT-GAS. Công ty này bị xử phạt 70 triệu đồng, tịch thu toàn bộ vỏ chai nói trên.
Cảnh báo hậu quả khó lường
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389), ông Trần Quang Toản – Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh khẳng định: Hàng giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Hàng giả là nguyên liệu còn dẫn đến máy móc, thiết bị khi sử dụng nguyên liệu này sẽ bị hư hỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh…. Còn bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng – Phó Giám đốc Sở Y tế cảnh báo: Hàng giả là thuốc chữa bệnh thì cực kỳ nguy hiểm cho tính mạng người dân. Ngăn chặn hàng giả là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để đẩy lùi hàng giả.
Đối với gian lận thương mại, thiệt hại cũng không phải là nhỏ. Nếu người tiêu dùng gặp phải tình trạng này sẽ dẫn đến mất niềm tin vào hàng Việt, ảnh hưởng lớn đến sức mua, doanh thu của doanh nghiệp nói chung. Trong khi đó, cái lợi nhỏ nhoi trước mắt chỉ “chảy” vào túi của một bộ phận nhỏ người kinh doanh thiếu đạo đức.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh dự báo, từ nay đến cuối năm, hàng giả và gian lận thương mại tiếp tục gia tăng, tập trung vào các lĩnh vực có nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp mua sắm cao điểm cho Tết Nguyên đán. Trong đó, nhóm sản xuất, kinh doanh hàng giả sẽ tập trung vào các mặt hàng bánh kẹo, băng đĩa, mũ bảo hiểm, thực phẩm chức năng, gas, rượu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...
Trước mắt, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ triển khai việc đấu tranh có hiệu quả với một số vấn đề nổi cộm phát sinh trên thị trường gần đây như gian lận trong sản xuất mũ bảo hiểm, dầu nhớt, xăng dầu, sữa, các mặt hàng có thuế suất cao như điện thoại, mỹ phẩm... Mục đích là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, ổn định thị trường trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: THANH NHỊ