Nông thôn mới ở xã đảo An Bình

06:06, 20/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã đảo An Bình (Lý Sơn) nằm giữa biển khơi, chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng, những tác động tích cực của phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm cho diện mạo An Bình có nhiều thay đổi. An Bình đang có những bước chuyển mới..

TIN LIÊN QUAN

Diện mạo mới của xã đảo

Ở đảo Bé – xã đảo An Bình, cầu cảng vững chãi ngay bên mép sóng là con đường dẫn vào trung tâm xã. Dọc hai bên những con đường trong xã, nhà dân, trụ sở UBND xã, trường học, trạm xá khang trang, chắc chắn đủ sức chống chọi với giông bão. “Cả đảo có 3,4 km đường bê tông. Năm nay xã đang xây dựng thêm 400m đường bê tông nữa, kinh phí khoảng 1 tỷ đồng” – Chủ tịch UBND xã An Bình Đặng Ngọc Phương cho biết.

Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã đảo An Bình.
Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã đảo An Bình.


Tại công trường bê tông hóa 400m đường giao thông, hàng chục người dân hì hục cuốc, chở đất đá. Cánh thợ hồ tốc lực trộn, đổ bê tông. Những mẻ bê tông đổ xuống mặt đường, gặp nắng đã nhanh chóng đổi màu, khô hanh. Chị Trần Thị Thu, đang tham gia làm đường, nói: “Ở đảo xa này làm được một đoạn đường bê tông là quý lắm! Nhà nước đầu tư tiền, mình góp công. Rồi đảo sẽ có thêm đường bê tông sạch đẹp”.

Tính chung cả đoạn đường 400m đang làm này thì đến nay đảo Bé  có 3,8 km đường giao thông đã bê tông hóa. Cách đây 10 năm, khi vừa thành lập, đường đi trong xã chỉ toàn đường cát. Nay giao thông được bê tông hóa khang trang, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân.

Xã An Bình có tổng diện tích tự nhiên 69ha. Nhiều năm qua, xã đảo này được tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong 3 năm gần đây, những công trình dân sinh ở An Bình liên tiếp mọc lên. Hiện tại, hệ thống điện, đường, trường, trạm đủ cả. Trường học tuy chỉ có cấp tiểu học nhưng khá sạch đẹp, kiên cố. Dân trên đảo đã có điện năng lượng mặt trời, và đường đi lại hầu hết đã được bê tông hóa. Trạm y tế của xã khá khang trang. Đặc biệt, ở An Bình đã có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt cung cấp đủ nhu cầu của người dân nơi đây.

Kỳ vọng về hồ chứa nước và kè chống xâm thực

Khó khăn nhất ở An Bình hiện nay là vấn đề nước tưới cho cây trồng. Cả đảo nhỏ này có khoảng 27ha đất sản xuất, nhưng mỗi năm chỉ canh tác được mấy tháng mùa mưa. Nếu trồng tỏi thì được một vụ trong năm, nhưng lúc được lúc mất. Còn nếu trồng hành, cố tranh thủ thì cũng được hai lứa, rồi lại bỏ đất không. Tất cả các cây trồng như đậu xanh, đậu phụng, đậu ván đều không thể tồn tại dưới cái nắng rát bỏng.

Mùa nắng hạn ở An Bình kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 trong năm. Thiếu nước tưới nên  không thể  canh tác trong mùa hè ở đảo Bé này. Chính vì thế bài toán tìm nước tưới cho An Bình đã được bàn đến rất nhiều lần. Một tin vui đến với người dân An Bình là huyện Lý Sơn đang xúc tiến dự án xây hồ chứa nước cho xã với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. “Nếu dự án này triển khai thành công, người dân đảo Bé sẽ có thể chủ động phát triển trồng trọt, chăn nuôi chứ không chờ vào nước trời như lâu nay nữa” – Chủ tịch xã Đặng Ngọc Phương tỏ rõ sự kỳ vọng về dự án này.

Hiện nay, An Bình đang được đầu tư khoảng 40 tỷ đồng để xây dựng kè chống xâm thực. Công trình dự kiến khởi công vào cuối tháng 6.2014. Dự án hoàn thành sẽ giúp cho người dân đảo Bé an tâm bám đảo, không còn nỗi lo biển xâm thực. Ông Bùi Mã, nhà chỉ còn cách mép sóng vài chục mét, bộc bạch: “Gia đình tôi mừng lắm! Có kè kiên cố, nhà không còn lo sóng biển đánh sập nữa. Bờ kè sẽ bảo vệ dân, bảo vệ hòn đảo này !”.     
         

   Bài, ảnh: T.NHỊ    

 


.