Xây dựng nông thôn mới: Phân kỳ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

08:06, 07/06/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Từ thực tế xây dựng NTM, trong điệu kiện nguồn vốn hạn hẹp như hiện nay, tỉnh ta đã quyết định phân kỳ, đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Thay vì đầu tư dàn trải cho 33 xã điểm, tỉnh đã quyết định sẽ tập trung nguồn lực cho 17 xã đạt 12 tiêu chí trở lên. 

TIN LIÊN QUAN

Chú trọng hạ tầng
 
Về xã Trà Tân (Trà Bồng) những ngày này, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi trụ sở làm việc của chính quyền địa phương, trạm xá “hoành tráng”. Các con đường trong thôn cũng đã được bê tông hóa phẳng lỳ, xe cộ cứ thế bon bon... 
 
Tâm sự với chúng tôi, ông Đinh Văn Tình, một người dân ở thôn Trường Giang bộc bạch: “Trước đây, đường sá khó đi lắm, mùa mưa lầy lội đi lại ngại vô cùng. Nhưng từ khi triển khai xây dựng NTM, bà con tình nguyện hiến đất, chặt cây, đóng góp công lao động để sớm có đường mới. Có đường mới lại có điện thắp sáng, bà con chúng tôi vui lắm!”.
 
Không chỉ ở Trà Tân mà ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, sau 3 năm xây dựng NTM, bộ mặt làng quê đã có sự thay đổi, hạ tầng nông thôn đã được cải thiện rất mạnh mẽ. Với cách thức “dễ làm trước, khó làm sau”, nhiều nơi coi xây dựng hạ tầng là khâu đột phá để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp của người dân nên đã dồn mọi nguồn lực.
 
3 năm qua, nguồn vốn huy động từ các nguồn lực gần 3.500 tỷ đồng, trong đó đã đầu tư gần 2.151 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng để xây dựng giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, trụ sở UBND, chợ, nhà ở dân cư.
 
 
Trụ sở UBND xã Trà Tân (Trà Bồng) được xây dựng theo chuẩn NTM.
Trụ sở UBND xã Trà Tân (Trà Bồng) được xây dựng theo chuẩn NTM.
 
Nhờ vậy mà cuối năm 2013, toàn tỉnh có 1 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 32 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 64 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; 67 xã đạt 4 tiêu chí. Số lượng tiêu chí tăng thêm bình quân ở mỗi xã 2,4 tiêu chí/xã, có một số xã số lượng tiêu chí tăng nhanh như: Bình Dương, Phổ Vinh, Tịnh Trà, Hành Nhân, Hành Minh, Sơn Thành, Tịnh Giang…
 
Ít chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
 
Có thể khẳng định rằng, hiệu quả mà chương trình xây dựng NTM mang lại cho người dân là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng NTM tỉnh ta còn chậm so với nhiều địa phương trong cả nước, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
 
Thời gian qua, phần lớn các địa phương nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chạy đua xây dựng trụ sở, nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xóm, theo thành tích số km đường, số km kênh mương, giao thông nội đồng,… mà chưa thực sự chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. 
 
Đang vui vẻ về những thành tích đạt được trong việc phát triển hạ tầng ở địa phương qua 3 năm xây dựng NTM, ông Hồ Việt Tùng, Chủ tịch UBND xã Trà Tân bỗng khựng lại khi được hỏi về hướng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. 
 
“Vấn đề này với các địa phương miền xuôi đã khó, ở miền núi càng khó gấp 10 lần. Phần đông là hộ nghèo, hộ chính sách, lao động của xã đi làm thuê, làm mướn, giờ tạo việc làm ở địa phương cũng khó, mà tạo làng nghề càng khó hơn, không thể một sớm một chiều mà thực hiện được”- ông Tùng chia sẻ: 
 
Cơ sở vật chất ở các địa phương hầu hết là yếu và thiếu; sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp, 80-100% người dân lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
 
Công tác dồn điền đổi thửa chưa được thực hiện rộng rãi ở các địa phương. Hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các huyện đồng bằng chủ yếu tập trung vào các mô hình khuyến nông phổ biến, rất ít mô hình mới có tính đột phá về kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ. 
 
Ở miền núi, vẫn chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi truyền thống, việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, mang tính hàng hóa vẫn còn bỏ ngõ.

 

Nhiều địa phương chưa thật sự chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhiều địa phương chưa thật sự chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Vì vậy, các địa phương đang rất lúng túng tìm hướng phát triển sản xuất phù hợp để nâng cao thu nhập cho người dân. Để nâng thu nhập cho người dân từ vài triệu đồng/người/năm lên 24 triệu đồng/người/năm như mục tiêu chương trình đặt ra quả là chuyện chẳng dễ dàng.
 
Phân kỳ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
 
Từ thực tế xây dựng NTM, trong điệu kiện nguồn vốn hạn hẹp như hiện nay, tỉnh ta đã quyết định phân kỳ, đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Thay vì đầu tư dàn trả cho 33 xã điểm, tỉnh đã quyết định sẽ tập trung nguồn lực cho 17 xã đạt 12 tiêu chí trở lên. Đây là những xã tiêu biểu nhất, thể hiện tinh thần trách nhiệm vượt trội của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM.
 
Theo kế hoạch, Quảng Ngãi sẽ tập trung xây dựng xã Bình Dương đạt tiêu chí NTM trong năm 2014. 10 xã là: Tịnh Trà, Tịnh Châu, Tịnh Khê, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thương, Nghĩa Hòa, Đức Tân, Đức Nhuận, Phổ Vinh và Hành Dũng sẽ đạt vào năm 2015. 6 xã còn lại là Bình Trung, Tịnh Giang, Hành Nhân, Hành Thịnh, Hành Minh, Hành Thuận sẽ đạt vào năm 2016. 
 
Ông Phạm Hùng- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho rằng, trong điều kiện như hiện nay thì cần chất lượng hơn số lượng, nên đầu tư theo kiểu cuốn chiếu, ưu tiên cho những xã tiêu biểu trước để sớm đạt tiêu chí NTM làm gương cho các địa phương khác.
 
Việc huy động người dân ủng hộ tiền rất khó khăn, thay vì vậy, nên khuyến khích người dân góp công, hiến đất, tự khai thác cát, sạn làm trường, công trình ở những nơi có thiên nhiên ưu đãi tài nguyên cát, sạn là khoa học, hợp lý. 
 
Với quyết tâm xây dựng 17 xã đạt NTM theo đúng tiến độ, UBND tỉnh đang xem xét ban hành các cơ chế hỗ trợ xi măng và cơ chế đầu tư đặc thù theo Quyết định 498 của Chính phủ, nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư và giao thông cộng đồng. Cho phép người dân thực hiện các dự án, công trình không yêu cầu phức tạp về kỹ thuật và có quy mô vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng trở xuống nếu họ đảm bảo các yêu cầu. 
 
Trong nhiều cuộc họp về NTM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ luôn nhấn mạnh: Đây không phải là một dự án đầu tư xây dựng hạ tầng mà là một chương trình phát triển tổng hợp. Các địa phương phải xem phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là hạt nhân, cốt lõi chứ không phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư nguồn lực cho các phương án phát triển sản xuất.
 
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” là mục tiêu mà chương trình hướng đến. “Địa phương nào đạt các tiêu chí NTM rồi không có nghĩa là dừng đầu tư, mà tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên để địa phương phát triển hơn nữa”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ khẳng định.
 
 
Bài, ảnh: Ái Kiều
 

.