(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, 5 xã điểm ở huyện Tư Nghĩa phải hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Dồn tâm sức lẫn kinh phí để thực hiện chủ trương xây dựng NTM, nhưng vấn đề lãnh đạo huyện Tư Nghĩa quan tâm là làm cách nào để người dân tự lực phát triển kinh tế bền vững, trở thành hạt nhân trong việc xây dựng NTM.
Phát huy nội lực
Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Tư Nghĩa đã xác định phát huy nội lực trên cả 3 lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trên mỗi lĩnh vực huyện đã tăng cường công tác khuyến khích, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để phát triển sản xuất. Bên cạnh tập trung nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, lâm nghiệp và thủy sản, huyện đặc biệt chú trọng đến tiêu chí giúp người dân có mức thu nhập ổn định phát triển kinh tế bền vững. Đối với một huyện thuần nông, muốn phát triển kinh tế hộ gia đình, không còn cách nào khác, huyện đã chọn xây dựng các cánh đồng mẫu lớn để đầu tư kỹ thuật, sản xuất liên ngành, liên thửa nhằm nâng cao mức sống cho bà con.
Giải phóng mặt bằng, xây dựng chợ tại xã Nghĩa Hòa nhằm đạt tiêu chí nông thôn mới. |
Đến nay, Tư Nghĩa đã xây dựng các cánh đồng mẫu lớn ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hòa, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương... mỗi xã có diện tích trên 20 ha để trồng lúa 2 vụ/năm.
Ông Nguyễn Văn Bá - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết, nhờ cải tạo đồng ruộng trên diện tích khoảng 25 ha, mà xã đã xây dựng được cánh đồng mẫu lớn liên vùng, liên thửa. Ở các vụ đông xuân và hè thu mấy năm trước, năng suất ở những cánh đồng này luôn đạt từ 65 - 67 tạ/ha. Xã đang lập phương án tiếp tục dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng ở cánh đồng Năm Sào và Bắc Gò Chùa, với diện tích 35 ha. Hiện xã đang lập ban chỉ đạo, ban quản lý, để tổ chức lấy ý kiến dân triển khai thực hiện trong vụ đông xuân 2014 - 2015.
Ông Trần Thiên Thanh - Trưởng Phòng NN&PTNT cho biết, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nông dân sẽ thuận lợi trong việc xây dựng kênh mương nội đồng, gieo sạ, chăm sóc với kỹ thuật cao, đem lại năng suất, chất lượng đạt hơn lúa đại trà. Vụ hè thu năm 2013, toàn huyện đã thực hiện trên 200 ha, năng suất đạt 65 tạ/ha, cao hơn lúa đại trà từ 1,5 - 2 tạ/ha. Vụ đông xuân năm nay, huyện vẫn tiếp tục duy trì và hè thu đến huyện mở rộng diện tích lên 300 ha. Huyện cũng đang tính toán đến việc liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông để đầu tư và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân; đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã đầu tư sân phơi, bãi tập kết, các phương tiện thiết bị đầy đủ để sản xuất thu hoạch theo phương thức liên vùng, liên thửa, hạn chế công lao động và tìm đầu ra ổn định cho bà con.
Từ nguồn vốn của chương trình, một số địa phương như Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thương, Nghĩa Lâm đã nhân rộng các mô hình lúa thuần, áp dụng quy trình kỹ thuật “ba giảm, ba tăng”; mô hình chăn nuôi bò lai Sind, bò cái Zêbu F2 sinh sản, giúp hộ nghèo biết cách chăn nuôi để thoát nghèo... Đối với các vùng bấp bênh nguồn nước tưới, Tư Nghĩa tính toán chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình hiệu quả như ớt, rau màu...
Đi kèm với triển khai mô hình trồng trọt chăn nuôi, huyện đã có chủ trương mua sắm các thiết bị, phương tiện để hỗ trợ phát triển sản xuất. Ngoài nguồn kinh phí của chương trình, một số địa phương đã tận dụng thế mạnh địa bàn sẵn có để phát triển thương mại dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho bà con.
Làng quê khởi sắc
Sau ba năm thực hiện chủ trương xây dựng NTM, về các xã điểm của huyện Tư Nghĩa, bức tranh nông thôn có nhiều điểm sáng. Từ những con đường bê tông, trường học, y tế, chợ, những ngôi nhà ngói mới khang trang, những cánh đồng mẫu lớn trong mùa vàng trĩu hạt... càng tô thắm diện mạo các làng quê đang trên đà phát triển.
Ông Lê Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tư Nghĩa, cho biết, trong 3 năm xây dựng NTM, bên cạnh nỗ lực của chính quyền các địa phương, người dân cũng rất đồng tình hưởng ứng. Nhiều người đã tích cực chặt phá cây cối, hiến đất để giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông; đóng góp xây dựng hệ thống chiếu sáng đường thôn xóm; phát triển các mô hình phát triển sản xuất. Bên cạnh nội lực, huyện đã huy động sự ủng hộ, đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân hơn 38 tỷ đồng để xây dựng trường học, trạm y tế, đường giao thông, nâng cấp sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ…
Đến thời điểm này Tư Nghĩa có 5 xã đạt từ 11 - 13 tiêu chí; có 10 xã đạt từ 5 - 10 tiêu chí... Trong năm 2014 - 2015, huyện tập trung nguồn lực giúp các xã thực hiện các tiêu chí còn lại. Tư Nghĩa phấn đấu đến cuối năm 2014 có 2 xã là Nghĩa Lâm và Nghĩa Hòa đạt xã nông thôn mới. Các xã Nghĩa Thương, Nghĩa Phương và Nghĩa Kỳ đạt thêm từ 4 - 5 tiêu chí, các xã còn lại phấn đấu đạt thêm từ 2 đến 3 tiêu chí.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN