(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu con đường ra vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa gặp nhiều gian truân, vất vả nhưng ngư dân Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng vẫn vững tin, kiên cường vươn khơi bám biển.
Cá về từ Hoàng Sa
Xã biển Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) những ngày này náo nhiệt, nhộn nhịp đến lạ. Khắp các nơi, từ chỗ thu mua cá đến cửa hàng bán dầu, mọi người đều râm ran bàn tán chuyện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan HD981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời hành xử đầy bạo lực với tàu Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ ở đây. Thế nên, mỗi khi có tàu từ biển trở về, ai cũng thăm hỏi. Nào là “thấy cái giàn khoan của Trung Quốc không?” hay “có bị tàu Trung Quốc đâm không”?
Ngư dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) kiểm tra ngư lưới cụ trước khi cho tàu xuất bến. Ảnh: MỸ HOA |
Vì vậy mà khi biết ông Nguyễn Văn Đinh - chủ chiếc tàu có công suất 240CV đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, trên đường về còn bị tàu họ kìm kẹp, phải đi vòng vòng vì cái giàn khoan HD981 án ngữ thì ai cũng ấm ức. Họ bảo: “Hoàng Sa là của chúng ta, Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm mà còn ngang ngược. Sao không bực”. Thấy thế, ông Đinh liền mở khoang tàu, hô lớn “10 tấn cá chuồn cồ” rồi chậm rãi bảo: “Đây, cá của Hoàng Sa mình đây”. Nghe thế, ai nấy đều lặng người, xúc động.
Còn tại cảng cá Sa Huỳnh, tàu của nhiều ngư dân cũng nặng cá trở về sau những ngày khai thác, đánh bắt ở các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Nhưng khác với những lần trước, lần này về ngư dân không chỉ vui vì được cá; mà còn ấm lòng vì sự quan tâm, sẻ chia của tất cả mọi người. “Khi biết tàu tôi đánh bắt gần chỗ giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép, ai cũng gọi điện thăm hỏi và dặn phải hết sức cẩn thận, kiềm chế. Nếu gặp khó, phải thông báo để chính quyền và anh em tàu bạn giúp đỡ”, chủ tàu Nguyễn Trung ở Sa Huỳnh (Đức Phổ)chia sẻ. Có lẽ vì vậy mà dù mới mang về 2,5 tấn cá ngừ đại dương, nhưng ông Trung đã hối thúc 10 lao động chuẩn bị sẵn sàng, 5 ngày nữa sẽ cùng con tàu có công suất 360CV thẳng tiến Hoàng Sa.
Vững lòng vươn khơi
Cùng với ngư dân Nguyễn Trung, nhiều chủ tàu ở khắp các vùng biển từ Bình Châu (Bình Sơn); Tịnh Kỳ, Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đến Phổ Thạnh (Đức Phổ)… cũng hối hả tiếp dầu, chất đá để vươn khơi bám biển.
Chiều ngày 9.5, chiếc tàu của ông Lê Nhựt, ngụ xã Nghĩa An đã nạp đủ dầu, đá cùng lương thực thực phẩm, đảm bảo cho anh em thuyền viên đánh bắt ở Hoàng Sa một tháng. Theo tiết lộ của chủ tàu Lê Nhựt, phiên biển này được ông chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo, từ thức ăn nước uống đến tâm lý anh em đi bạn. Lý giải điều này, ông Nhựt bảo rằng: “Trung Quốc ngang ngược xâm phạm biển mình, mình càng phải động viên anh em vững lòng bám biển nhiều hơn nữa. Bởi chúng tôi muốn Trung Quốc biết rằng, ngư dân Việt Nam yêu hòa bình nên nhường nhịn, chứ không phải sợ họ. Vậy nên dù có bị tàu Trung Quốc kè đuổi, hăm dọa, chúng tôi quyết không rời biển nửa bước”.
Còn tại xã Bình Châu, ngư dân cũng tỏ rõ quyết tâm bám biển đến cùng. Bởi nói như ngư dân Đặng Tự, ngụ thôn Châu Thuận Biển thì: “Cho dù Trung Quốc có ngang ngược thế nào thì biển vẫn là của mình, mình cứ đi...”. Có lẽ vì vậy nên hiện giờ, tàu ông Tự đã sẵn sàng nổ máy, bước vào phiên biển mới tại quần đảo Hoàng Sa. Còn ngư dân Tiêu Viết Là, người từng bị Trung Quốc bắt và tịch thu ngư lưới cụ không dưới 3 lần cũng không giấu được bức xúc: “Trung Quốc chỉ có thể hăm dọa, tịch thu tài sản chứ không thể làm lay chuyển tinh thần, ý chí của ngư dân và nhân dân Việt Nam”.
Đồng hành tiếp lửa cho ngư dân, các nghiệp đoàn nghề cá cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền, công khai diễn biến tình hình trên Biển Đông. Bởi nói như Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu Bùi Hồng Vân thì: “Càng khó khăn càng tăng ý chí của ngư dân. Vì họ biết, ra biển không chỉ để mưu sinh mà còn phải giữ biển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Tổ quốc”.
Bài, ảnh: MỸ HOA-Ý THU